Tôn sư trọng đạo là truyền thống quý báu của dân tộc ta, được biểu hiện qua lời nói, hành động, cử chỉ, thái độ đối với thầy cô giáo. Tuy nhiên, không phải ai cũng đưa ra được khái niệm hoàn chỉnh về tôn sư trọng đạo là gì?. Cùng tìm hiểu kỹ hơn về truyền thống đạo đức này trong bài viết sau đây.
Tôn sư trọng đạo là gì?
Tôn sư trọng đạo là một truyền thống đạo đức sớm được hình thành, kế thừa và phát huy qua nhiều thế hệ của dân tộc Việt Nam, trong đó:
- Tôn sư: “Tôn” là sự tôn trọng, kính yêu và biết ơn, còn “sư” là thầy dạy học, người dạy chữ, dạy người. Vậy tôn sư nghĩa là người học trò phải biết kính trọng, tôn trọng đối với những người đang làm thầy giáo, cô giáo ở mọi lúc, mọi nơi, đặc biệt những người thầy giáo, cô giáo đã dạy dỗ mình.
- Trọng đạo: “Trọng” là sự coi trọng, tôn trọng, “đạo” là đạo lý, đạo đức. Vậy trọng đạo là sự coi trọng những lời mà thầy cô đã dạy về đạo lý làm người.
Tóm lại, tôn sư trọng đạo được hiểu đơn giản đó là sự tôn trọng, kính yêu, biết ơn đối với những người thầy, người cô đã dạy dỗ. Điều đó được thể hiện rõ nhất qua những hành động, lời nói, cử chỉ hay thái độ dành cho thầy giáo, cô giáo. Vậy nên khi nhìn vào tác phong nói chuyện của một người bạn có thể nhìn rõ được đạo đức của người đó.
Biểu hiện của tôn sư trọng đạo là gì?
Sau khi tìm hiểu rõ về thế nào tôn sư trọng đạo bên trên, chúng ta hãy cùng nhau tìm hiểu về biểu hiện của truyền thống tôn sự trọng đạo dưới đây.
Có hành động đền đáp lại sự dạy dỗ của thầy cô
Ở Việt Nam, có ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, là ngày để tôn vinh công lao dạy dỗ của các thầy giáo, cô giáo. Bên cạnh đó, vào ngày này mọi người thường bày tỏ lòng biết ơn, sự kính trọng dành cho thầy cô giáo đã dạy mình.
Để chào mừng ngày nhà giáo Việt Nam, các em học sinh và sinh viên trên khắp cả nước lại nô nức hái những bông hoa điểm 10 để dành tặng thầy cô. Đó là món quà quý giá nhất để thể hiện lòng biết ơn đến thầy cô.
Có tình cảm, thái độ, hành vi làm thầy cô vui lòng
Tôn sư trọng đạo chính là đạo đức nên có đối với tất cả mọi người. Chúng ta cần biết kính trọng, yêu thương thầy cô giáo đã dạy dỗ mình nên người. Bên cạnh đó, trong giao tiếp cần có những cử chỉ lễ phép, không tỏ thái độ thiếu tôn trọng, hay có hành vi, cử chỉ không đúng chuẩn mực đối với thầy cô.
Đồng thời, các bạn cũng cần phải luôn ghi nhớ những lời thầy cô dạy, phải luôn nỗ lực hết mình để trở thành người có ích cho xã hội. Đặc biệt, các em học sinh, sinh viên cần biết chăm ngoan, cố gắng học hỏi, nghe lời thầy cô, rèn luyện để đạt được kết quả cao trong học tập.
Xã hội luôn có sự quan tâm đến các nhà giáo
Bên cạnh những biểu hiện tôn sư trọng đạo trên, còn có những thể hiện rõ nhất thông qua sự quan tâm của xã hội đối với các nhà giáo. Điều này khẳng định rằng, xã hội chúng ta hầu hết mọi người luôn dành tình cảm kính mến và sự tôn trọng đối với các giáo viên.
Đặc biệt, sự quan tâm đó được thể hiện qua các chính sách dành cho nhà giáo như: Tăng ngân sách cho giáo dục, tăng lương và phụ cấp. Đồng thời, còn đầu tư, tu bổ, xây dựng hệ thống trường lớp với môi trường thuận lợi, đảm bảo tốt cho quá trình giảng dạy, học tập và rèn luyện.
Ý nghĩa của tôn sư trọng đạo
Từ xưa đến nay, truyền thống tôn sư trọng đạo đã trở thành phẩm chất đạo đức được coi trọng. Qua đó, nhằm đền đáp công lao to lớn đối với những thầy cô đã luôn thầm lặng đã truyền đạt kiến thức để giáo dục con người. Người xưa thường dạy “Nhất tự vi sư bán tự vi sư”, có nghĩa là một chữ cũng là thầy nửa chữ cũng là thầy. Như vậy, vai trò của người thầy rất lâu về trước đã sớm được ghi nhận trong xã hội.
Sinh thời, thủ tướng Phạm Đồng đã từng nói như sau: “Nghề dạy học là nghề cao quý nhất trong những nghề cao quý”. Khác với những nghề khác, thành phẩm của giáo dục và công lao của người thầy đó là tạo ra được những con người có phẩm chất, năng lực tốt cho xã hội. Bên cạnh đó, trong kho tàng ca dao tục ngữ của Việt Nam cũng đã có nhiều câu nói về công lao của người thầy:
“Muốn sang thì bắc cầu kiều
Muốn con hay chữ phải yêu lấy thầy”
Tôn sư trọng đạo là truyền thống văn hóa vô cùng tốt đẹp của dân tộc. Xuất phát từ vai trò quan trọng của nền giáo dục, Nhà nước ta đã xác định rất rõ ràng rằng đào tạo và giáo dục là quốc sách hàng đầu của Việt Nam. Vì thế, có rất nhiều chính sách phát triển với lĩnh vực giáo dục đã được đưa ra để mang đến một thế hệ mới có tri thức cao. Không chỉ vậy, hàng năm Nhà nước còn lấy ngày 20/11 là ngày hội lớn toàn dân nhằm tôn vinh các nhà giáo của Việt Nam.
Tôn sư trọng đạo còn mang ý nghĩa lớn giúp con người sống có nhân nghĩa, có lòng biết ơn hơn với mọi người. Đồng thời, việc coi trọng đạo lý làm người sẽ giúp cho chúng ta có khả năng tiến xa hơn trong học tập, gặt hái được nhiều thành công lớn trong tương lai.
Như vậy, việc rèn luyện đạo đức tôn sư trọng đạo có ý nghĩa rất lớn để giúp cho bản thân hoàn thiện hơn. Đây chính là cơ sở, nền tảng quan trọng để con người có thể đạt được những thành tựu trong cuộc sống.
Bên trên là những thông tin về truyền thống tôn sư trọng đạo là gì, những biểu hiện và ý nghĩa của tôn sư trọng đạo. Hy vọng bài viết này đã giúp các bạn hiểu rõ hơn để từ đó nỗ lực phấn đấu để trở thành con ngoan, trò giỏi, giúp ích cho xã hội.