Cúng ông Công ông Táo là một trong những tục lệ lâu đời của người Việt Nam. Tuy nhiên không phải ai cũng hiểu hết về tết ông Công ông Táo hay tết ông Công ông Táo cần chuẩn bị gì? Hãy cùng với chúng tôi tìm hiểu chi tiết về ngày tết này nhé!
Tết ông Công ông Táo 2022
Ngày ông Công ông Táo là một trong những ngày lễ cúng quan trọng trong dịp trước những Tết Nguyên Đán. Vậy tết ông Công ông Táo ngày bao nhiêu?
Theo sự tích dân gian Việt Nam thì hằng năm cứ vào ngày 23 tháng Chạp thì Táo Quân sẽ cưỡi cá chép bay về trời để trình báo mọi việc lớn nhỏ xảy ra trong gia đình với Ngọc Hoàng. Cho đến đêm Giao thừa thì Táo Quân sẽ quay về hạ giới để tiếp tục công việc trông coi bếp lửa của các gia đình.
Như vậy, lễ cúng tiễn ông Công ông Táo sẽ được làm vào ngày 23 tháng Chạp (tức là 23/12 âm lịch). Theo lịch Vạn niên thì ngày 23/12/2022 âm lịch sẽ đúng vào thứ 7 ngày 14 tháng 1 năm 2023 dương lịch.
Sự tích về ngày tết ông Công ông Táo
Theo như quan niệm của cha ông ta từ xa xưa thì Thần Táo Quân bao gồm “2 ông 1 bà” được gọi chung là Táo Quân hoặc ông Táo.
Gắn liền với quan niệm này là sự tích dân gian kể về gia đình của Thị Nhi và Trọng Cao. Hai vợ chồng lấy nhau nhiều năm mà mãi vẫn không có con, Trọng Cao vì chuyện này mà cộc cằn, đánh vợ và rồi đuổi vợ đi. Thị Nhi sau khi bỏ nhà đi tới xứ khác thì gặp được Phạm Lang.
Hai bên tâm đầu ý hợp nên đã kết duyên thành vợ chồng. Còn về phần Trọng Cao, sau khi nguôi giận thì bắt đầu ân hận và lên đường tìm kiếm vợ mình. Nhưng ngày dài đường xa, Trọng Cao hết tiền, hết gạo nên phải trở thành kẻ xin ăn dọc đường. Tới một ngày nọ, chàng ta đã xin ăn tới nhà của Thị Nhi. Đúng lúc này Phạm Lang đi vắng, Thị Nhi nhận ra chồng cũ nên đã mời vào nhà ăn cơm nước đầy đủ. Không may là đúng lúc Phạm Lang trở về nên nàng đành phải giấu Trọng Cao dưới đống rạ sau vườn để tránh điều thị phi.
Chẳng ngờ đêm ấy, Phạm Lang đã nổi lửa đốt đống rạ để lấy tro bón ruộng. Thấy chồng cũ đã bị thiêu chết nên Thị Nhi lao mình vào lửa để tự vẫn. Phạm Lang vì thương xót vợ mà cũng nhảy vào chết theo. Ngọc Hoàng vì thương tình cho 3 kẻ sống có nghĩa có tình nên đã phong cho họ làm ba vị đầu rau trông coi việc bếp núc trong nhà.
Bên cạnh đó thì còn có ông Công – vị thần cai quản đất đai cũng được người dân tiễn lên chầu trời vào đúng ngày 23 tháng Chạp.
Ý nghĩa của ngày tết ông Công ông Táo
Người ta thường quan niệm một năm mở đầu bằng Tết Nguyên Đán và kết thúc bằng ngày tết ông Táo vào 23 tháng Chạp. Chính vì vậy, để được Táo Quân phù trợ nên vào ngày này người ta thường làm lễ tiễn đưa ông Táo về chầu trời rất long trọng.
Đến đêm 30 tháng Chạp thì ông Táo trở về cùng gia đình bước vào năm mới. Như vậy là hệ thống lễ Tết làm thành một chu trình khép kín, âm dương chuyển hóa cho nhau.
Người xưa cũng cho rằng, sau khi nghe Táo Quân bẩm báo thì Ngọc Hoàng sẽ căn cứ vào đó để định đoạt, có thể là khen thưởng hoặc quở trách gia chủ. Vì thế mà vào ngày 23 tháng Chạp, trước khi Táo quân lên thiên đình, người ta sẽ thực hiện nghi lễ cúng ông Táo để các ông có thể “nói tốt“ cho nhà mình, giúp năm tiếp theo được ban cho tài lộc và bình an.
Không những định đoạt may, rủi, phúc họa của gia chủ mà sự hiện diện của các vị Táo Quân trong mỗi căn nhà còn giúp ngăn cản sự xâm phạm của ma quỷ, giữ bình yên cho tất cả mọi người trong gia đình.
Tết ông Công ông Táo năm 2022 cúng gì?
Nghi lễ để cúng ông Công, ông Táo về trời không cần chuẩn bị quá rườm rà. Tuy nhiên mỗi vùng miền ở nước ta cũng sẽ có những nghi thức khác và lễ vật cúng khác nhau. Thông thường thì theo tục lệ cúng ông Táo, bên cạnh nhang đèn, giấy tiền, hoa tươi, mâm ngũ quả, mâm lễ mặn thì không thể thiếu được những bộ mũ áo cho ông Công, ông Táo.
– Mũ ông Công sẽ gồm hai mũ đàn ông và một mũ đàn bà. Mũ dành cho các ông Táo thì có hai cánh chuồn còn mũ dành cho bà Táo thì không có cánh chuồn. Những chiếc mũ này được trang trí bằng các gương nhỏ có hình tròn lóng lánh và những dây kim tuyến màu sắc sặc sỡ. Để giản tiện thì cũng có khi người ta chỉ cúng tượng trưng một cỗ mũ ông Công có hai cánh chuồn và kèm theo một chiếc áo cùng một đôi hia bằng giấy.
– Màu sắc của mũ, áo của ông Công cũng phải thay đổi hàng năm theo ngũ hành. Cụ thể: Năm hành Kim thì sẽ dùng màu vàng. Năm hành Thủy sẽ dùng màu xanh. Năm hành Mộc sẽ dùng màu trắng.Năm hành Hỏa sẽ dùng màu đỏ. Còn năm hành Thổ thì sẽ dùng màu đen. Những đồ “vàng mã” này sẽ được đốt đi sau khi kết thúc lễ cúng ông Táo vào ngày 23 tháng Chạp cùng với bài vị cũ. Sau đó thì người ta sẽ lập một bài vị mới cho Táo công.
– Bên cạnh đó trong mâm lễ cúng ông Công, ông Táo thì không thể thiếu được cá chép vàng. Bởi theo như truyền thuyết thì vào ngày 23 tháng Chạp thì ông Công ông Táo sẽ cưỡi cá chép hóa rồng lên thiên đình để báo cáo nên người dân thường chuẩn bị 2 hoặc là 3 con cá chép sống và thả chúng trong chậu nước, cúng cùng với các đồ lễ khác. Sau khi cúng xong thì mọi người sẽ đem thả cá ở sông, ao, hồ, nghĩa là “phóng sinh” để đưa ông Táo về trời. Việc phóng sinh cá chép trong ngày Tết ông Công ông Táo này không chỉ là một nét đẹp văn hóa của người Việt mà nó còn thể hiện sự từ bi quý báu của con người.
Tuy nhiên thì tục lễ cúng cá chép này thường chỉ diễn ra chủ yếu ở miền Bắc. Người miền Trung thì hay thay cá chép bằng ngựa giấy. Còn với người miền Nam thì sẽ thay thế bằng đôi hia.
>>> Xem thêm: Tất niên là gì? Ý nghĩa của việc cúng tất niên cuối năm <<<
Thời gian cúng ông Công, ông Táo 2022 tốt nhất
Theo như các chuyên gia phong thuỷ thì lễ cúng ông Táo cần phải được thực hiện trước khi ông Táo bay về trời báo cáo với Ngọc hoàng, tức là cúng trước 12h trưa ngày 23 tháng Chạp năm Tân Sửu.
- Những ngày đẹp để cúng ông Công ông Táo năm 2022:
– Ngày 17 tháng Chạp (tức ngày 08/1/2023 dương lịch): Chủ nhật, ngày Bính Dần và là ngày Hoàng đạo Kim Quỹ.
– Ngày 18 tháng Chạp (tức ngày 09/1/2023 dương lịch): Thứ Hai, ngày Đinh Mão và là ngày Hoàng Đạo.
– Ngày 20 tháng Chạp (tức ngày 11/01/2023 dương lịch): Thứ Tư, ngày Kỷ Tỵ và là ngày Hoàng đạo Ngọc Đường.
– Ngày 23 tháng Chạp (tức ngày 14/1/2023 dương lịch): Thứ Bảy, ngày Nhâm Thân và là ngày Hoàng Đạo Tư Mệnh.
- Giờ đẹp để cúng ông Công ông Táo về trời năm 2022:
– Ngày 17 tháng Chạp: Các khung giờ đẹp trong ngày 17 tháng Chạp năm Nhâm Dần bao gồm: Tý (23h – 1h), Sửu (1h – 3h), Thìn (7h – 9h), Tỵ (9h – 11h), Mùi (13h – 15h), Tuất (19h – 21h).
– Ngày 18 tháng Chạp: Các khung giờ tốt trong ngày 18 tháng Chạp bao gồm: Tý (23h – 1h), Dần (3h – 5h), Mão (5h – 7h), Ngọ (11h – 13h), Mùi (13h – 15h), Dậu (17h – 19h).
– Ngày 20 tháng Chạp: Các khung giờ tốt trong ngày 20 tháng Chạp bao gồm: Sửu (1h – 3h), Thìn (7h – 9h), Ngọ (11h – 13h), Mùi (13h – 15h), Tuất (19h – 21h), Hợi (21h – 23h).
Trong đó, giờ Ngọ ngày 20 tháng Chạp chính là giờ Tốc hỷ, là khung giờ đẹp nhất để bạn cúng Táo quân. Nếu như gia chủ tiến hành làm lễ cúng Táo quân vào khung giờ này thì sẽ hứa hẹn cả năm mới gặp được nhiều may mắn, gặp dữ hóa lành.
– Ngày 23 tháng Chạp: Các khung giờ tốt trong ngày 23 tháng Chạp bao gồm: Thìn (7h – 9h), Tỵ (9h – 11h), tốt nhất là trước 12 giờ trưa
Đặc biệt, trong ngày 23 tháng Chạp năm Nhâm Dần thì giờ Thìn chính là giờ Tốc hỷ, rất thích hợp để bạn tiến hành nghi lễ cúng tiễn ông Táo về trời.
Văn khấn tết ông Công ông Táo
Theo như sách nhà xuất bản Văn hóa thông tin thì Văn khấn ông Công ông Táo theo Văn khấn cổ truyền Việt Nam là:
“Nam mô a di đà Phật!
Nam mô a di đà Phật!
Nam mô a di đà Phật!
Con lạy chín phương Trời, mười phương Chư Phật, Chư Phật mười phương
Con kính lạy Ngài đông trù Tư mệnh Táo phủ Thần quân.
Tín chủ (chúng) con là: ……………
Ngụ tại: …………
Hôm nay, ngày 23 tháng Chạp tín chủ chúng con thành tâm sắp sửa hương hoa phẩm luật, xiêm hài áo mũ, kính dâng tôn thần. Thắp nén tâm hương tín chủ con thành tâm kính bái.
Chúng con kính mời ngài Đông trù Tư mệnh Táo phủ Thần quân hiển linh trước án hưởng thụ lễ vật.
Cúi xin Tôn thần gia ân xá tội cho mọi lỗi lầm trong năm qua gia chủ chúng con sai phạm. Xin Tôn thần ban phước lộc, phù hộ toàn gia chúng con, trai gái, già trẻ sức khỏe dồi dào, an khang thịnh vượng, vạn sự tốt lành. Chúng con lễ bạn tâm thành, kính lễ cầu xin, mong Tôn thần phù hộ độ trì.
Nam mô a di đà Phật!
Nam mô a di đà Phật!
Nam mô a di đà Phật!”
Trên đây là những chia sẻ của chúng tôi liên quan đến tết ông Công ông Táo. Hy vọng sẽ giúp bạn hiểu hơn về ngày lễ cổ truyền này và lựa chọn được khung giờ cúng thích hợp, mang lại may mắn và tài lộc cho gia đình.