Quan hệ từ là nội dung xuất hiện trong môn tiếng Việt lớp 5 và Ngữ Văn lớp 7. Đây là những nội dung quan trọng hay xuất hiện trong các bài kiểm tra và bài thi. Vậy quan hệ từ là gì? Chức năng, phân loại và cách dùng loại từ này như nào? Hãy theo dõi bài viết này, chúng tôi sẽ chia sẻ cho các bạn những thông tin chi tiết để các bạn hiểu rõ nhất nhé.
Quan hệ từ là gì?
Quan hệ từ (hay còn gọi là từ nối, kết từ hay từ quan hệ) là những từ biểu thị mối quan hệ ngữ pháp giữa các từ, cụm từ, bộ phận câu hoặc vế câu với nhau. Chúng không thể đảm nhiệm được vai trò là thành tố chính, thành tố phụ trong cụm từ và chức năng của các thành phần câu. Chức năng của quan hệ từ là liên kết giữa các từ, cụm từ hay các câu với nhau.
Ví dụ quan hệ từ thường hay dùng là: và, với, hay, của, tuy, hoặc, nhưng, thì, mà, ở, tại, bằng, để, như, về,…
Quan hệ từ tiếng Anh là gì? Quan hệ từ trong tiếng Anh là “Conjunction“.
Các loại quan hệ từ
Quan hệ từ trong môn Tiếng Việt lớp 5 thì được chia thành 2 loại chính như sau:
Quan hệ từ đẳng lập
Đây là những quan hệ từ nằm trong câu với nhiệm vụ chính là liên kết hai vế câu có quan hệ ngang hàng và không phụ thuộc vào nhau.
Ví dụ: Tôi thích ăn kem và em gái tôi cũng rất thích ăn chúng.
Quan hệ từ chính phụ
Đây là các quan hệ từ được sử dụng nhằm mục đích kết dính giữa hai thành tố chính phụ. Nó giúp cho vai trò bổ nghĩa của thành tố phụ trở nên rõ ràng hơn cũng như làm nổi bật ý nghĩa của thành tố chính.
Ví dụ: Đạt luôn cố gắng chăm chỉ mỗi ngày nên chắc chắn Đạt sẽ nhận được bằng khen học sinh giỏi cuối năm.
Các cặp quan hệ từ thường gặp
Sau khi đã hiểu rõ quan hệ từ là gì ở bên trên, chúng ta sẽ cùng tìm hiểu về các loại quan hệ từ. Hiện nay, có 4 cặp quan hệ từ thường hay gặp, đó là:
- Cặp quan hệ nguyên nhân kết quả gồm: Vì…nên…; nhờ…mà…; do…nên…
- Cặp quan hệ từ giả thiết kết quả gồm: Nếu…thì…; hễ…thì…
- Cặp quan hệ từ tương phản gồm: Tuy…nhưng…; mặc dù…nhưng…
- Cặp quan hệ từ tăng tiến gồm: Không những…mà…; không chỉ…mà…
Cặp quan hệ từ nguyên nhân kết quả
Những thông tin bên trên chắc chắn giúp các bạn hiểu rõ quan hệ từ là gì rồi. Vì cặp quan hệ từ nguyên nhân kết quả được sử dụng rất phổ biến nên chúng tôi sẽ phân tích chi tiết về loại từ này để các bạn hiểu rõ hơn.
Quan hệ từ nguyên nhân
Quan hệ từ nguyên nhân được chia nhỏ thành:
- Quan hệ từ nguyên nhân có lợi: Là quan hệ từ được sử dụng để liên kết các thành tố nguyên nhân mang ý nghĩa có lợi (nhờ). Ví dụ như: Nhờ ông có lòng giúp đỡ, tôi mới có được như ngày nay.
- Quan hệ từ nguyên nhân có hại: Là quan hệ từ nối các thành tố mang sắc thái có hại (tại). Ví dụ như: Tại mẹ mà hôm nay các bạn đã cười con.
- Quan hệ từ nguyên nhân trung hòa: Là những quan hệ từ được sử dụng để dẫn nối thành tố nguyên nhân với hai sắc thái ý nghĩa vừa có lợi, vừa có hại (vì, do, bởi, bởi vì). Ví dụ như: Gia-sếch đi vào trong, khuôn mặt rạng rỡ, sung sướng vì đã được các bạn mời tham dự trò chơi.
Quan hệ từ nguyên nhân được sử dụng để dẫn nối các yếu tố là danh từ (ngữ danh từ, đại từ), vị từ, cụm vị từ (cụm chủ vị).
Quan hệ từ kết quả
Quan hệ từ kết quả chỉ xuất hiện trong 25 cấu trúc.
- Về số lượng: Các quan hệ từ chỉ kết quả thường sẽ có 3 từ, trong đó có 2 từ đơn (nên, mà) và 1 từ ghép (cho nên).
- Về tần số xuất hiện: Các quan hệ từ kết quả cấu tạo đơn có 22 trường hợp (chiếm 88%) và quan hệ từ kết quả có cấu tạo ghép chỉ có 3 trường hợp (chiếm 12%).
- Về ý nghĩa: Quan hệ từ kết quả thể hiện điều sắp nêu ra là kết quả, hậu quả của điều vừa mới nói đến. Cấu trúc nhân quả sẽ được biểu hiện bằng các quan hệ từ được dùng phổ biến trong lời nói hằng ngày và văn bản. Điều này cho thấy rõ vai trò quan trọng của cấu trúc này đối với việc biểu thị mối quan hệ nhân quả trong tiếng Việt. Ví dụ: Anh ta có lối đánh khá trầm tĩnh, cẩn thận nên cũng loại được nhiều người để vào vòng chung kết với thằng Hiển.
- Về mặt cấu tạo: Thành tố nguyên nhân là danh từ, ngữ danh từ, vị từ, cụm vị từ. Còn thành tố kết quả luôn là vị từ, cụm vị từ. Trong trường hợp thành tố nguyên nhân có cấu tạo là danh từ, ngữ danh từ thường gắn liền với nghĩa hoạt động, đặc điểm, tức là biểu thị các sự tình. Điều này rất phù hợp với đặc điểm của cấu trúc nhân quả.
- Về vị trí: Thành tố nguyên nhân và kết quả có vị trí tương đối linh hoạt. Tuy nhiên, theo khảo sát cấu trúc nhân quả thì vị trí phổ biến của thành tố nguyên nhân là ở đằng sau thành tố kết quả. Điều này phản ánh rõ bản chất thành tố phụ của thành tố nguyên nhân xét trong mối quan hệ với thành tố kết quả.
Cặp quan hệ từ điều kiện – Kết quả
Mối quan hệ này cho thấy cần phải có một sự vật, sự việc nào đó xảy ra để dẫn đến một sự việc khác có liên quan.
Các cặp quan hệ từ thường được sử dụng như: “nếu – thì”, “giá mà – thì”, “hễ – thì”… Ví dụ: Nếu hôm nay trời nắng thì tôi sẽ sang nhà bà.
Cặp quan hệ từ đối lập/tương phản
Đây là mối quan hệ thể hiện một sự vật, sự việc nào đó có sự trái ngược với một sự vật, sự việc khác đang được đề cập đến.
Một số cặp quan hệ từ thường được dùng như: “tuy – nhưng”, “dù – nhưng”…
Ví dụ: Tuy tôi không giàu có nhưng tôi luôn sẵn sàng giúp đỡ những người khó khăn hơn mình.
Cặp quan hệ từ tăng cường
Khi sử dụng những cặp quan hệ từ này vào một câu thì sẽ giúp cho các sự vật, sự việc trong câu được tăng lên về tính chất, vấn đề hay ý nghĩa… của đối tượng ấy.
Các cặp quan hệ từ thường được sử dụng như: “không những – mà còn”, “càng – càng”, “không chỉ – mà còn”…
Ví dụ: Cô giáo em không những xinh đẹp mà còn múa rất đẹp.
Cách dùng quan hệ từ trong câu hoặc đoạn văn
Sau khi tìm hiểu rõ về khái niệm quan hệ từ là gì? Các loại quan hệ từ ở bên trên, chúng ta sẽ cùng tìm hiểu về cách dùng loại từ này trong câu và đoạn văn.
Nhiều trường hợp bắt buộc phải sử dụng quan hệ từ bởi nếu không dùng thì nghĩa của câu sẽ bị thay đổi dẫn đến hiểu lầm cho người đọc, người nghe. Tuy nhiên cũng có những trường hợp chúng ta không cần dùng quan hệ từ khi nghĩa của chúng đã quá rõ ràng.
Ví dụ dưới đây sẽ giúp các bạn làm rõ vấn đề trường hợp nào không cần dùng quan hệ từ:
- Hôm nay tôi làm việc ở nhà.
(Trong ví dụ này, nếu chúng ta không dùng quan hệ từ “ở” thì câu sẽ bị thay đổi nghĩa thành “Hôm nay, tôi làm việc nhà”.)
- Chúng tôi tin tưởng ở sự lãnh đạo của anh ấy.
(Trong ví dụ này, nếu không sử dụng quan hệ từ “ở” thì câu văn sẽ trở thành “Chúng tôi tin tưởng sự lãnh đạo của anh ấy”. Như vậy thì dù có sử dụng quan hệ từ ở hay không thì nghĩa của câu cũng không thay đổi.)
Vậy nên, tùy từng trường hợp mà người nói hoặc người viết cần cân nhắc lược bỏ bớt một số quan hệ từ để giúp cho nói nhanh gọn, đúng trọng tâm và không rườm rà.
Lưu ý khi sử dụng quan hệ từ
Khi sử dụng từ nối hay cặp quan hệ từ cho câu hay đoạn văn thì bạn hãy đặc biệt lưu ý đến vấn đề có bắt buộc phải sử dụng quan hệ từ đó hay không. Cụ thể:
- Trường hợp có thể lược bỏ quan hệ từ đó là do việc bạn dùng hay không dùng quan hệ từ thì nghĩa của câu vẫn sẽ không thay đổi. Vì vậy mà chúng ta có thể lược bỏ quan hệ từ để giúp cho câu văn trở nên súc tích và ngắn gọn hơn. Bên cạnh đó, người đọc hoặc người nghe cũng sẽ nắm được ý nghĩa nội dung một cách nhanh chóng hơn.
- Trường hợp mà chúng ta buộc phải sử dụng quan hệ từ là khi câu văn có nhiều vế và nghĩa quan trọng cần được làm rõ. Nếu như chúng ta không sử dụng quan hệ từ thì ý nghĩa của câu sẽ trở nên phi logic. Ngoài ra thì tính mạch lạc cũng sẽ bị đứt gãy khiến cho câu từ trở nên lủng củng, thiếu sự liên kết.
Bài tập quan hệ từ
Những thông tin về khái niệm quan hệ từ là gì ở bên trên đã phần nào giúp các bạn hiểu rõ hơn về loại từ này. Để các bạn củng cố kiến thức và nhớ lâu, chúng ta sẽ cùng làm một số bài tập để ôn luyện nhé.
Bài tập 1: Lựa chọn các quan hệ từ thích hợp bên trong ngoặc để điền vào chỗ trống:
(Tuy…nhưng; của; vì… nên; nhưng; bằng; để)
- Những cây viết… tôi không còn mới … vẫn tốt.
- Tôi vào Đà Nẵng … máy bay … kịp cuộc họp ngày mai.
- … trời mưa to … nước sông dâng cao.
- Cái áo ấy không đẹp … nó là kỉ niệm trong những ngày chiến đấu anh dũng.
Đáp án:
- Quan hệ từ cần điền là: của …. nhưng
- Quan hệ từ cần điền là: bằng …. để
- Quan hệ từ cần điền là: vì….nên
- Quan hệ từ cần điền là: Tuy….nhưng
Bài tập 2: Tìm cặp quan hệ từ thích hợp để điền vào chỗ trống trong từng câu sau đây:
- … tôi đạt học sinh giỏi … bố mẹ đã thưởng cho tôi một chiếc xe đạp.
- … trời mưa … lớp ta sẽ hoãn chuyến đi cắm trại.
- …. gia đình gặp nhiều khó khăn … bạn Nam vẫn phấn đấu học tập tốt.
- … trẻ con thích xem phim Tây Du Ký … người lớn cũng rất thích.
Đáp án:
- Quan hệ từ cần điền trong câu này là: Vì … nên …
- Quan hệ từ cần điền trong câu này là: Nếu … thì …
- Quan hệ từ cần điền trong câu này là: Tuy … nhưng …
- Quan hệ từ cần điền trong câu này là: Không những … mà …
Bài tập 3: Điền quan hệ từ thích hợp vào chỗ chấm trong các câu sau đây:
- Hoa … Hằng là bạn thân.
- Hôm nay, thầy giáo sẽ giảng … phép chia số thập phân.
- … mưa bão lớn … việc đi lại gặp rất nhiều khó khăn.
- Thời gian đã hết … Hạnh vẫn chưa làm bài xong.
- Trăng quầng … hạn, trăng tán … mưa.
- Một vầng trăng tròn, to … đỏ hồng đã hiện lên … chân trời, sau rặng tre đen … một ngôi làng xa.
- Tôi đã đi rất nhiều nơi, đóng quân nhiều chỗ đẹp hơn nơi đây nhiều, nhân dân coi tôi … người làng … yêu thương tôi hết mực, … sao sức quyến rũ, nhớ thương vẫn không hề mãnh liệt, day dứt … mảnh đất cọc cằn này.
- … bão to … các cây lớn vẫn không bị đổ.
Đáp án:
- Quan hệ từ điền trong câu này là từ “và”.
- Quan hệ từ điền chỗ 3 chấm trong câu này là từ “về”.
- Quan hệ từ điền vào 2 chỗ 3 chấm lần lượt là: Vì …. nên.
- Quan hệ từ điền vào chỗ 3 chấm là từ “nhưng”.
- Quan hệ từ điền vào chỗ 3 chấm là từ “thì …. thì”.
- Quan hệ từ điền vào chỗ 3 chấm trong câu lần lượt là và, ở, của.
- Quan hệ từ điền vào chỗ 3 chấm là như, và, nhưng, bằng.
- Quan hệ từ điền vào chỗ 3 chấm là Tuy … nhưng
Hy vọng bài viết giúp các bạn hiểu rõ hơn quan hệ từ là gì? Chức năng, phân loại, cách dùng loại từ này. Nếu có vấn đề gì chưa hiểu rõ về nội dung trong bài viết, các bạn hãy bình luận bên dưới để chúng tôi giải đáp chi tiết.