Khi tham gia giao thông, việc nắm rõ luật vừa là trách nhiệm, vừa là nghĩa vụ đối với công dân. Mỗi cá nhân đều cần phải nhận thức rõ luật và các quy định khi tiến hành lưu thông. Nếu không nắm rõ luật sẽ đem lại nhiều rắc rối cũng như hậu quả nghiêm trọng không chỉ riêng với người điều khiển phương tiện. Trong đó, việc nhận thức đúng các loại phương tiện giao thông đường bộ sẽ hỗ trợ bạn tối đa vào quá trình di chuyển.
Bạn có biết phương tiện giao thông đường bộ gồm những loại nào? Có sự ưu tiên gì đối với các loại và khung hình phạt khi xảy ra tai nạn, va chạm? Cùng tìm hiểu thông tin này trong bài viết dưới đây của chuthapdoquangninh.org.vn nhé!
Phân loại các phương tiện giao thông đường bộ tại Việt Nam
Khái niệm phương tiện giao thông đường bộ là gì?
Theo quy định, khái niệm về phương tiện giao thông đường bộ là các phương tiện di chuyển, đi lại công khai trên các con đường. Chúng bao gồm toàn bộ các phương tiện như ô tô, xe máy, máy kéo, rơ moóc, sơ mi rơ moóc được kéo bở iô tô, máy kéo,… Các loại mô tô hai bánh, ba bánh, xe gắn máy bao gồm cả xe máy điện và các loại xe tương tự khác.
Các loại phương tiện giao thông được công nhận tại Việt Nam
Phương tiện giao thông là khái niệm vô cùng quen thuộc với mọi người. Nhưng việc nó bao gồm những loại nào cụ thể thì có lẽ nhiều người sẽ chưa rõ nếu chưa học luật. Và đây là điều chúng ta cần chuẩn bị trước khi thi bằng lái xe máy, ô tô.
Việc phân loại phương tiện giao thông đường bộ gồm những loại nào đã được quy định rõ ràng lại luật ở điều 3.17 của Luật giao thông đường bộ 2008. Theo luật pháp Việt Nam thì phương tiện giao thông đường bộ được chia làm 2 nhóm cụ thể:
– Nhóm thứ nhất: Phương tiện giao thông cơ giới đường bộ (nhóm xe cơ giới);
– Nhóm thứ hai: Phương tiện giao thông thô sơ đường bộ (nhóm xe thô sơ).
Theo đó, mỗi nhóm phương tiện giao thông đường bộ sẽ bao gồm những phương tiện cụ thể khác nhau đó là:
– Xe cơ giới được quy định bao gồm các loại xe như:
+ Xe gắn máy
+ Mô tô 2 bánh, mô tô 3 bánh
+ Máy kéo, ô tô
+ Rơ moóc hoặc sơ mi rơ moóc được kéo bởi ô tô và các loại xe tương tự.
– Xe thô sơ được quy định bao gồm các loại xe là:
+ Xe đạp
+ Xích lô
+ Xe do súc vật kéo
+ Xe lăn
+ Xe đạp điện và các loại xe tương tự
Các quy định của Pháp luật về phân loại các phương tiện giao thông
Phân loại của ô tô
Ô tô được chia thành các loại cụ thể sau:
– Ô tô con (xe con) được xác định theo giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường. Xe ô tô con được sử dụng để chở người không quá 9 chỗ (đã bao gồm ghế của người lái xe).
– Xe ô tô bán tải (xe pickup/xe tải VAN) có khối lượng chuyên chở cho phép là tối đa 950kg. Các loại xe 3 bánh có khối lượng bản thân >400kg thì được xếp vào nhóm xe ô tô con.
– Xe ô tô tải (xe tải) có kết cấu và trang bị để chuyên chở hành hóa. Nhóm này bao gồm cả ô tô đầu kéo, ô tô kéo rơ moóc, ô tô bán tải có tải trọng chuyên chở từ 950kg trở lên.
– Xe ô tô khách (gọi tắt là xe khách) là phương tiện giao thông đường bộ được sử dụng để chở người từ 9 ghế ngồi trở lên.
Phân loại của máy kéo, rơ moóc hoặc sơ mi rơ moóc được kéo bởi xe ô tô, máy kéo
Nhóm phương tiện này được chia thành:
– Máy kéo là đầu máy có thể tự thực hiện việc di chuyển. Đầu máy có thể di chuyển bằng xích hoặc bằng lốp. Phương tiện giao thông này được sử dụng chủ yếu để đào, xúc, nâng, ủi, gạt kéo, đẩy,…
– Rơ moóc bao gồm hệ thống trục và lốp xe. Nó có kết cấu chắc chắn để khi kết nối với ô tô nó giúp làm phân tán khối lượng của rơ moóc
– Ô tô đầu kéo kéo sơ mi rơ moóc là loại phương tiện giao thông dùng để chở hàng hóa có phần thùng phía sau là sơ mi rơ moóc. Bộ phận này được thiết kế kết nối với đầu ô tô kéo để truyền một phần trọng lượng lên đó.
– Ô tô kéo rơ moóc là phương tiện dành riêng để kéo rơ-moóc có khối lượng theo Giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường.
Phân loại của xe mô tô, xe gắn máy
– Xe mô tô (xe máy) là phương tiện giao thông cơ giới đường bộ hai hoặc ba bánh. Xe mô tô là các phương tiện di chuyển bằng động cơ có dung tích xi lanh từ 50 cm3 trở lên. Xe mô tô, xe máy có khối lượng bản thân không được lớn hơn 400kg.
– Xe gắn máy cũng là phương tiện có 2, 3 bánh và chạy bằng động cơ tương tự xe mô tô. Nhưng động cơ của xe gắn máy chỉ có dung tích xi lanh dưới 50 cm3. Vận tốc của xe này cũng chỉ có thể đạt tối đa 50km/h.
Phân biệt phương tiện giao thông đường bộ và phương tiện tham gia giao thông đường bộ
Có khá nhiều người nhầm lẫn khi nghĩ rằng hai khái niệm trên là như nhau. Tuy nhiên, đây là 2 khái niệm khác nhau, mà chúng ta cần phân biệt. Đặc biệt, là đối với những ai chuẩn bị cho kỳ thi sát hạch lái xe máy cần lưu ý để không bị “đánh lừa” với câu hỏi này.
Vậy điều khác nhau giữa phương tiện giao thông đường bộ và phương tiện tham gia giao thông đường bộ? Khái niệm thứ hai rộng hơn khái niệm đầu tiên khi nó bao gồm cả xe máy chuyên dùng.
Xe máy chuyên dùng bao gồm các loại xe như: các loại xe đặc chủng được sử dụng vào mục đích quốc phòng và an ninh. Xe máy sử dụng trong nông nghiệp, lâm nghiệp, xe máy thi công công trình cũng được xếp vào nhóm này.
Theo đó, người điều khiển phương tiện khi tham gia giao thông đường bộ sẽ bao gồm:
– Người điều khiển các phương tiện là xe cơ giới, người điều khiển xe thô sơ
– Người điều khiển xe máy chuyên dùng tham gia giao thông đường bộ
>>> Tham khảo thêm: Xe tay ga nào tiết kiệm xăng nhất hiện nay <<<
Điều kiện để các phương tiện được tham gia giao thông
Không phải bất cứ lúc nào chiếc xe cũng được tham gia lưu thông trên đường. Để được pháp luật công nhận, phương tiện giao thông đường bộ cần đảm bảo các điều kiện dưới đây:
– Đầy đủ hệ thống hãm (phanh xe) và hệ thống chuyển hướng có hiệu lực. Điều này giúp đảm bảo an toàn cho người điều khiển và những người xung quanh khi di chuyển.
– Bánh và lốp của phương tiện phải đúng với kích cỡ và tiêu chuẩn kỹ thuật của từng loại xe đã được quy định cụ thể.
– Xe phải có đủ gương chiếu hậu (1 hoặc 2 bên) và các thiết bị khác. Nó sẽ cung cấp được tầm nhìn tối đa cho người điều khiển trong khi lưu thông.
– Phương tiện giao thông phải đủ các điều kiện về: đèn chiếu sáng gần và xa, đèn soi biển số, đèn báo hãm (đèn phanh), đèn tín hiệu (xi-nhan),…
– Các hệ thống: giảm thanh, giảm khói và các thiết bị đảm bảo khí thải, tiếng ồn phải được tuân thủ theo quy định.
– Còi xe có âm lượng đúng với quy định, nếu quá âm lượng, chủ xe có thể bị phạt tiền tùy theo loại xe (tối đa 2 – 3 triệu đồng/lần đối với ô tô)
– Kết cấu các bộ phận của xe phải đảm bảo độ bền. Chúng cũng phải đảm bảo cho các tính năng của xe vận hành ổn định. Các bộ phận, khung xe phải đúng với giấy tờ về số khung, số máy của xe.
– Đối với xe ô tô thì tay lái phải ở bên trái của xe, ghế phụ ở bên phải. Đối trường hợp xe ô tô của người nước ngoài đăng ký tại nước ngoài được thiết kế tay lái ở bên phải thì khi tham gia giao thông tại Việt Nam phải thực hiện theo quy định của Chính phủ.
– Phải được đăng ký và gắn biển số cho phương tiện giao thông mới trước khi lưu thông. Đảm bảo mang đủ giấy đăng ký, bảo hiểm trách nhiệm dân sự và bằng lái xe.
Một số quy định về xử phạt khi vi phạm các điều kiện của xe máy khi tham gia giao thông
Để đảm bảo an toàn giao thông đường bộ, các phương tiện giao thông cần đáp ứng được các tiêu chuẩn, điều kiện cụ thể. Trong trường hợp không đáp ứng các điều kiện trên, mức xử phạt đã được quy định rõ ràng tại Nghị định 46/2016/NĐ-CP. Cụ thể các mức phạt đó là:
– Mức phạt tiền từ 80.000 – 100.000 VNĐ trong các trường hợp:
- Phương tiện không có còi , thiếu đèn soi biển số, đèn phanh; thiếu gương chiếu hậu bên trái hoặc có nhưng không có tác dụng (lắp gương đối phó)
- Xe máy bị che mất biển số, biển số không rõ các chữ số, không đúng theo quy định,…
- Xe thiếu đèn xi-nhan hoặc có nhưng không sử dụng được.
– Mức phạt từ 100.000 đến 200.000 VNĐ cho các hành vi:
- Lắp và sử dụng còi xe không đúng quy định về kỹ thuật
- Các phương tiện không có bộ phận giảm thanh, giảm khói. Hoặc có những bộ phận này mà không đảm bảo các quy chuẩn về khí thải, tiếng ồn,…
- Xe không đảm bảo hệ thống đèn chiếu sáng xa gần, không đúng tiêu chuẩn thiết kế
- Phương tiện giao thông lắp đèn chiếu sáng phía sau
– Mức phạt từ 300.000 đến 400.000 VNĐ cho các lỗi về:
- Thiếu giấy đăng ký xe hoặc các giấy tờ tương đương theo quy định
- Giấy tờ đăng ký xe có dấu hiệu tẩy xóa, không đúng với số khung, số máy của xe; sử dụng giấy đăng ký xe không do cơ quan có thẩm quyền cấp
– Phạt tiền từ 800.000 đến 1.000.000 VNĐ cho các hành vi:
- Xe có đăng ký tạm hoạt động quá thời hạn cho phép
- Xe sản xuất lắp ráp trái quy định
- Một số trường hợp phạt bổ sung được áp dụng cho các sai phạm trên đây như:
- Tịch thu còi không đúng tiêu chuẩn kỹ thuật
- Tịch thu các loại Giấy đăng ký, biển số giả mạo/tẩy xóa/không đáp ứng đủ tiêu chuẩn
- Tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe đến 3 tháng trường hợp Giấy đăng ký xe quá thời hạn
- Với các phương tiện lắp ráp trái quy định sẽ bị tịch thu phương tiện, tước quyền sử dụng giấy phép lái xe tối đa 3 tháng.
Hy vọng với các thông tin chi tiết trên đây quý vị đã hiểu rõ hơn về quy định liên quan đến phương tiện giao thông đường bộ. Trong khi lưu thông và điều khiển các phương tiện bạn cần nắm được các quy định. Điều này để tránh các sai phạm và phải mất tiền oan. Chúc các bạn luôn lái xe đúng luật và an toàn!