Trong quá trình học tập và thi cử chắc hẳn bạn không ít lần thắc mắc về kết quả của các bài thi. Khi ấy, phúc khảo sẽ giúp bạn giải đáp những thắc mắc này. Vậy phúc khảo là gì? Điều kiện và cách thức nộp đơn phúc khảo là gì? Hãy cùng tìm hiểu nhé!
Phúc khảo là gì?
Phúc khảo là một từ mượn Hán Việt, trong đó, phúc mang ý nghĩa là lặp lại hoạt động một lần nữa, còn khảo là khảo sát, đánh giá. Phúc khảo là cụm từ chỉ hoạt động đánh giá, kiểm tra lại một đối tượng nào đó, để có cách nhìn nhận đúng hơn về đối tượng.
Phúc khảo còn là động từ dùng để chỉ hành động kiểm tra, đánh giá, chấm lại bài thi đã được chấm. Hiểu một cách đơn giản, phúc khảo chính là khi thí sinh nhận được kết quả thi nhưng lại cảm thấy người chấm thi chấm không đúng với số điểm mà thí sinh đạt được, lúc ấy thí sinh có thể làm hồ sơ phúc khảo để xem lại kết quả chấm đã chính xác hay chưa.
Khi phúc khảo, điểm thi của bạn có thể thay đổi theo 3 diễn biến sau: Điểm tăng, điểm giảm và điểm được giữ nguyên. Vì vậy, trước khi quyết định có nên phúc khảo không, bạn cần đánh giá lại bài làm của mình một cách chắc chắn nhất.
Vậy còn đơn phúc khảo là gì? Đơn phúc khảo chính là đơn yêu cầu của thí sinh nộp đến hội đồng chấm thi. Đơn này yêu cầu hội đồng chấm thi chấm lại bài thi khi thí sinh thấy kết quả bài thi mà mình nhận được không đúng với khả năng làm bài trước đó.
Điều kiện để chấm phúc khảo là gì?
Mỗi kỳ thi sẽ có các điều kiện phúc khảo khác nhau. Để được phúc khảo, bạn cần phải đảm bảo các điều kiện mà các kỳ thi đưa ra. Thông thường, các kỳ thi đều đưa ra 3 điều kiện là đơn xin phúc khảo bài thi, lệ phí phúc khảo và thời hạn phúc khảo.
Ví dụ như kỳ thi IELTS, thời hạn phúc khảo không quá 6 tuần kể từ ngày thực hiện bài thi viết. Và thí sinh sẽ phải nộp lệ phí là 2.310.000 VND cùng với đơn xin phúc khảo hợp lệ. Nếu như không thỏa mãn 1 trong 3 điều kiện này thì bài thi của bạn sẽ không được phúc khảo.
Điểm phúc khảo chỉ được công nhận khi điểm chấm lại lệch so với điểm chấm lần trước từ 0,25 điểm trở lên. Khi đó Hội đồng phúc khảo sẽ công nhận điểm mới của bài thi.
Hội đồng phúc khảo bắt đầu làm việc chậm nhất từ 15 ngày kể từ ngày niêm yết kết quả của kỳ thi. Thời gian làm việc của Hội đồng phúc khảo cũng không kéo dài quá 10 ngày.
Kết quả phúc khảo sẽ được niêm yết công khai ngay sau khi Hội đồng phúc khảo hoàn tất các công việc.
Quy trình chấm điểm phúc khảo là gì?
Quy trình chấm phúc khảo sẽ được chia thành 2 giai đoạn như sau:
– Lựa chọn hội đồng hoặc là cá nhân chấm phúc khảo
– Chấm phúc khảo
Đối với các kỳ thi quốc tế, được tổ chức theo hội đồng như TOEIC hay IELTS quy trình phúc khảo sẽ được diễn ra theo các quy định riêng của từng hội đồng. Tuy nhiên vẫn phải đảm bảo 3 yếu tố là chính xác, công khai và minh bạch.
Hiện nay, đối với kỳ thi THPT quốc gia, bộ Giáo dục đã công khai quy trình phúc khảo chi tiết như sau:
Lựa chọn hội đồng chấm phúc khảo
Đối với kỳ thi THPTQG, bài thi tự luận khi phúc khảo sẽ được chấm bởi những giáo viên trực tiếp giảng dạy bộ môn ấy. Giáo viên chấm bài thi trắc nghiệm sẽ không được chấm bài thi tự luận.
Các công việc khi chấm phúc khảo
Bài thi tự luận
Khi phúc khảo sẽ được kiểm tra lại các việc sau:
– Điểm thành phần đã được cộng đúng chưa
– Điểm có bị ghi nhầm không
– Các phần chấm có đúng với phương thức chấm mà bộ đã đưa ra hay chưa.
Mỗi bài thi tự luận sẽ do 02 cán bộ chấm thi chấm phúc khảo và cần phải chấm bằng mực có màu khác với màu mực được dùng để chấm trước đó.
Trong khi chấm phúc khảo, phải có ít nhất từ 02 thành viên của Ban Phúc khảo bài thi tự luận trở lên và phải có sự giám sát của thanh tra.
Trong đó:
– Nếu như kết quả chấm của 02 cán bộ chấm thi phúc khảo giống nhau thì lấy kết quả đó làm điểm phúc khảo và giao bài thi ấy cho hai cán bộ chấm thi chấm phúc khảo ký xác nhận.
– Nếu như kết quả chấm của 02 cán bộ chấm thi phúc khảo có sự chênh lệch thì sẽ rút bài thi giao cho Trưởng ban Phúc khảo bài thi tự luận tổ chức cho cán bộ chấm thi chấm phúc khảo thứ ba chấm trên bài làm của thí sinh bằng mực màu khác.
– Nếu như kết quả chấm của 02 trong ba cán bộ chấm thi phúc khảo giống nhau thì lấy điểm giống nhau làm điểm phúc khảo.
– Nếu như kết quả chấm của cả 03 cán bộ chấm thi phúc khảo lệch nhau thì Trưởng ban Phúc khảo sẽ lấy điểm trung bình cộng của ba lần chấm làm tròn đến hai chữ số thập phân làm điểm phúc khảo sau đó ký tên xác nhận.
Bài thi trắc nghiệm
Đối với bài thi trắc nghiệm, các đáp án sẽ được rà soát lại bằng máy, sau đó rà soát lại bằng tay để kiểm tra lỗi kỹ thuật. Nhưng thông thường, điểm của bài thi trắc nghiệm sẽ không thay đổi sau khi phúc khảo.
Trên đây là toàn bộ những thông tin liên quan đến phúc khảo, hy vọng đã giúp bạn hiểu rõ phúc khảo là gì, đơn phúc khảo là gì cũng như điều kiện để chấm phúc khảo. Nếu còn thắc mắc, hãy bình luận xuống phía dưới để chúng tôi giải đáp cho bạn nhé!