Dù là Tết xưa hay Tết nay thì người dân Việt Nam vẫn luôn giữ cho mình nét văn hóa truyền thống tốt đẹp. Một trong số đó chính là tục lì xì Tết. Lì xì đầu năm tượng trưng cho may mắn, bình an và hạnh phúc. Trong bài viết này hãy cùng với chúng tôi tìm hiểu về nguồn gốc và ý nghĩa của phong tục lì xì ngày Tết nhé!
Lì xì Tết là gì?
Lì xì là tên gọi của tục lệ người lớn hơn sẽ mừng tuổi cho trẻ em trong dịp Tết Nguyên đán, phổ biến ở các nước Á Đông nói chung và ở Việt Nam nói riêng. Đó là lệ đặt tiền vào chiếc phong bao lì xì nhỏ có màu đỏ để mừng tuổi trẻ em.
Ở Trung Quốc thì lì xì không chỉ là phong tục truyền thống trong Tết cổ truyền mà nó còn được sử dụng trong nhiều dịp vui khác như: khai trương, sinh nhật…
Ngày nay, vào những dịp Tết cổ truyền, lì xì không chỉ dành cho trẻ con mà nó cũng được lì xì cho cha mẹ, bạn bè, người thân… để lấy “hên” đầu năm mới. Những phong bao lì xì giống như một lời chúc may mắn, thịnh vượng đến cho người nhận.
Mọi người cũng thường để tiền mới lì xì Tết trong các phong bao màu đỏ. Bởi phong bao lì xì tượng trưng cho sự kín đáo, tránh việc so bì hơn thua. Bên cạnh đó thì màu đỏ cũng tượng trưng cho sự may mắn, như ý và an lành.
Nguồn gốc của lì xì Tết là gì?
Nhiều người cho rằng, phong tục lì xì ngày Tết này được bắt nguồn từ Trung Quốc. Và sự tích về lì xì trong ngày Tết cũng được truyền miệng với rất nhiều phiên bản khác nhau.
Tuy nhiên, phiên bản được biết đến rộng rãi nhất đó chính là: Vào đêm Giao thừa, có một con yêu quái tên là “Tuy” thường xuyên xuất hiện và rất thích xoa đầu trẻ con. Điều này khiến cho các em bé đang ngủ giật mình và khóc thét lên. Ngày hôm sau khi thức dậy, đứa trẻ sẽ bị đau đầu, sốt cao và quấy khóc. Chính vì vậy mà cha mẹ của những đứa trẻ không dám ngủ mà thường thức cả đêm giao thừa để canh chừng.
Có một cặp vợ chồng hiếm muộn, ngoài 50 tuổi mới sinh được một cậu con trai. Giao thừa năm đó, có 8 vị Tiên đi qua nhà và đoán trước được yêu quái sẽ gây tai họa với đứa bé này nên đã hóa thân thành 8 đồng tiền và ở bên cạnh bảo vệ cho cậu bé. Cha mẹ cậu bé thấy vậy liền gói 8 đồng tiền này vào giấy đỏ, đặt lên gối con và canh chừng khi cậu bé ngủ.
Nửa đêm, yêu quái xuất hiện và khi nó đang đưa tay định xoa đầu cậu bé thì những đồng tiền trên gối bống lóa lên tia sáng vàng rực khiến cho nó sợ hãi và bỏ chạy.
Hai vợ chồng thấy vậy, liền rất vui mừng và đem chuyện kể lại cho mọi người nghe. Người dân từ đó đã làm theo và phong tục này cũng ngày càng được phổ biến rộng rãi. Cứ đến Tết thì người lớn sẽ cho tiền vào những phong bao màu đỏ cho trẻ em với niềm tin rằng những phong bao lì xì này sẽ giúp cho đứa trẻ khỏe mạnh, bình an.
Ý nghĩa của phong bao lì xì ngày Tết là gì?
Lì xì đầu năm mới là một trong những phong tục tốt đẹp của người Việt với mong muốn những điều tốt đẹp nhất, may mắn sẽ đến với mọi người ngay từ những ngày đầu năm mới.
Lì xì không chỉ giới hạn trong ngày mùng một Tết mà mọi người có thể lì xì trong suốt ba ngày đầu năm. Thậm chí có thể kéo dài đến tận những ngày mùng chín, mùng mười của Tết.
Theo phong tục của người Việt thì cứ vào sáng mùng một Tết là tất cả mọi người trong gia đình sẽ quây quần bên nhau để ăn cơm và chúc nhau những lời chúc tốt đẹp nhất. Sau đó mọi người sẽ cùng nhau đi đến từng gia đình để chúc Tết.
Trong ngày này thì bố mẹ, ông bà sẽ mừng tuổi cho con cháu. Con cháu chúc thọ bố mẹ, ông bà, bạn bè và những người thân thiết sẽ mừng tuổi cho nhau.
Khi con cháu họ hàng hay con cháu bạn bè nếu như còn nhỏ tuổi mà đến nhà thì đều được chủ nhà cho tiền mừng tuổi. Ngược lại, khách cũng sẽ mừng tuổi cho con cháu còn nhỏ của chủ nhà.
Tiền mừng tuổi thường cho số lẻ với ngụ ý là tiền đó sẽ dư mãi ra. Mọi người có thể mừng tuổi bằng tiền hoặc bằng quà nhưng cần phải chú trọng đến mặt hình thức bởi ngày Tết thì ai cũng thích đẹp.
Người già khăn áo chỉnh tề và ngồi trang trọng trên giường, trên ghế để con cháu đến mừng thọ. Ngược lại thì con cháu cũng sẽ nhận được ở người trên những lời khuyên ân cần trong cuộc sống.
Bật mí cách làm bao lì xì Tết tại nhà
Thay vì mua bao lì xì thì bạn có thể tự làm lì xì Tết gửi đến mọi người để cả năm thêm may mắn. Dưới đây là 2 cách làm bao lì xì ngày Tết đơn giản tại nhà mà bạn có thể tham khảo:
Bao lì xì Tết có hoa văn
Nguyên liệu cần chuẩn bị:
- Giấy màu hoa văn tùy chọn.
- Giấy đỏ A4.
- Bút chì, keo dán, thước kẻ.
Cách làm bao lì xì hoa văn:
Bước 1: Đầu tiên bạn cắt giấy hình hoa văn theo mẫu và kích thước cho sẵn trong hình dưới đây:
Bước 2: Tiếp theo bạn dán các mép gấp (1cm) ở cạnh bên và dưới đáy để tạo thành bao lì xì.
Bước 3: Cắt 1 miếng giấy màu đỏ có chiều dài x rộng là 19cm x 5cm. Sau đó bạn dán miếng giấy đỏ vừa cắt được bọc quanh bao lì xì, dính mép gấp (5cm) bằng keo dán.
Bước 4: Cắt 1 hình vuông 6cm x 6cm rồi trang trí chữ theo sở thích. Sau khi trang trí xong thì dán lên bao lì xì.
Bước 5: Thành phẩm
Như vậy là bạn đã hoàn thành một bao lì xì đậm chất riêng của mình để có thể lì xì cho người thân hay bạn bè của mình rồi đấy. Bên cạnh đó, bạn có thể thay thế nhiều mẫu hoa văn khác nhau để cho ra được những bao lì xì với nhiều phong cách khác nữa.
Bao lì xì handmade đơn giản
Nguyên liệu cần có:
- Giấy đỏ A4.
- Giấy màu trang trí tùy ý.
- Kéo, keo dán, bút chì.
Cách làm đơn giản như sau:
Bước 1: Đầu tiên bạn dùng tờ giấy A4 để cắt làm đôi hoặc cắt thành hình chữ nhật với kích thước là 9cm x 20 cm.
Bước 2: Lấy tờ giấy trên gấp lại, chừa mép trên khoảng 3cm như hình bên dưới:
Bước 3: Phần giấy gập lại thấp hơn thì bạn cắt bỏ rìa 2 bên khoảng 1cm.
Bước 4: Dung kéo cắt bo nhẹ ở phần góc – chính là nơi giao nhau giữa 2 mép gấp.
Bước 5: Cắt hở 2 đường như hình bên dưới:
Bước 6: Gấp 2 viền bo theo hình chữ nhật nhỏ ở phía trong.
Bước 7 + 8: Bôi keo dán vào 2 mép gấp vừa gấp lại. Sau đó dán phần hình chữ nhật nhỏ ở phía trong lên để hoàn thành làm bao lì xì.
Bước 9: Cắt bo tròn góc nắp của phong bao lì xì. Sau đó bạn có thể vẽ lì xì Tết theo sở thích của mình.
Bước 10: Thành phẩm
Như vậy bao lì xì handmade đặc biệt do tự tay bạn trang trí đã hoàn thành. Đây chính là một món quà vừa độc, vừa lạ mà bạn có thể tự tay làm để tạo nên dấu ấn riêng cho bao lì xì của mình đó!
Như vậy bạn đã hiểu được nguồn gốc cũng như ý nghĩa của phong tục lì xì Tết là gì rồi đúng không nào? Tết này hãy tự tay chuẩn bị những phong bao lì xì thật xinh và độc đáo để gửi đến người thân, bạn bè của mình nhé!