Dấu phẩy là phần kiến thức rất quan trọng trong môn Ngữ Văn. Vậy dấu phẩy là gì? Tác dụng của dấu phẩy trong câu là gì?. Hãy cùng chúng tôi tìm hiểu chi tiết thông tin về loại dấu câu này trong bài viết nhé.
Dấu phẩy là gì?
Dấu phẩy (ký hiệu , ) là dấu câu được dùng để ngắt quãng câu, thêm một ý khác vào trong câu hoặc chia tách các yếu tố trong một danh sách.
Ví dụ về dấu phẩy: Sự nghiệp cách mạng chính là một sự nghiệp lâu dài và gian khổ, song nhất định sẽ thắng lợi.
=> Dấu phẩy được dùng để chỉ ranh giới giữa các vế ở trong câu ghép.
Tác dụng của dấu phẩy
Sau khi đã hiểu rõ dấu phẩy là gì, chúng ta sẽ cùng tìm hiểu chi tiết về tác dụng của loại dấu câu này. Vậy dấu phẩy có tác dụng gì? Dấu phẩy được sử dụng để đánh dấu ranh giới giữa các bộ phận trong câu. Cụ thể là:
- Giữa các thành phần phụ (trạng ngữ, khởi ngữ) với chủ ngữ, vị ngữ ở trong câu. (Ví dụ như: Mỗi khi xuân về, trăm hoa lại đua nhau nở rộ.)
- Giữa các từ ngữ có cùng chức vụ ở trong câu. (Ví dụ như: Đào, lê, táo, mận đều là những loại quả mà Linh rất thích.)
- Giữa một từ ngữ với phần chú thích của nó. (Ví dụ như: Bác Hồ, vị lãnh tụ vĩ đại của dân tộc ta là một người sống rất giản dị.)
- Giữa các vế của một câu ghép. (Ví dụ như: Trời đang mưa rất to, chúng tôi không đi học được.)
Quy tắc sử dụng dấu phẩy
Sau khi tìm hiểu rõ tác dụng của dấu phẩy là gì qua các thông tin bên trên, chúng ta sẽ cùng tìm hiểu về quy tắc sử dụng dấu phẩy ở dưới đây:
Quy tắc số 1: Sử dụng dấu phẩy để phân tách giữa các mục trong danh sách.
Đây là cách sử dụng dấu phẩy đầu tiên mà chúng ta được học được ở trường. Thường dùng để tách các mục trong danh sách có từ ba thứ trở lên.
Ví dụ như: Hỗn hợp làm bánh đòi hỏi phải có bột, đường, trứng và bơ.
Quy tắc số 2: Sử dụng dấu phẩy ở sau một từ, cụm từ mang tính chất mở đầu hoặc giới thiệu.
Khi một từ hoặc cụm từ là phần giới thiệu cho một câu, các bạn nên thêm dấu phẩy vào đằng sau để câu được rõ nghĩa hơn.
Ví dụ như sau:
- Tuy nhiên, cô ấy đã không thể chấp nhận anh ta thêm một lần nữa.
- Mặt khác, các bạn có thể đợi đến tuần sau.
Quy tắc số 3: Sử dụng dấu phẩy ở trước trích dẫn.
- Ví dụ như: John Smith đã nói với chúng tôi, “các bạn không thể vào sau mười giờ”.
Cách dùng dấu phẩy chuẩn chính tả
Qua các thông tin bên trên, chắc chắn các bạn đã hiểu rõ dấu phẩy là gì và tác dụng của dấu phẩy là gì rồi. Tiếp theo chúng ta sẽ cùng tìm hiểu về cách dùng dấu phẩy chuẩn chính tả ở phần này.
Dấu phẩy được sử trong các trường hợp sau đây:
- Dấu phẩy được dùng trong các danh sách có ba từ trở lên.
Ví dụ như:
- Lan, Nhi, Mai và Hoa từng là học sinh của trường tiểu học Hoa Linh.
- Ba mẹ, chị gái, anh trai và Lan đều rất vui khi nhận được món quà năm mới.
- Dấu phẩy được sử dụng để ngăn cách giữa các mệnh đề trong câu phức giúp ý nghĩa của câu được rõ ràng hơn.
Ví dụ như: Ăn trưa xong, các nhân viên đã quay lại văn phòng làm việc để nghỉ ngơi.
- Dấu phẩy được dùng để chỉ ra ranh giới giữa các yếu tố liên hợp trong câu.
Ví dụ như: Thời gian tới sẽ rất khó khăn và nhiều thử thách, song chúng ta sẽ hoàn thành dự án thành công.
- Dấu phẩy được dùng để làm ranh giới giữa các vế ở trong một câu ghép.
Ví dụ như: Bạn càng cố gắng, bạn sẽ càng có nhiều cơ hội để vươn tới thành công.
- Dấu phẩy được sử dụng ở nơi có khoảng dừng nhẹ hoặc để nhấn mạnh cho một từ.
Ví dụ như: Bạch Tuyết, cô gái có nhan sắc đẹp nhất thế gian.
Ngoài ra, dấu phẩy còn được sử dụng để làm ra ranh giới giữa phần đề và phần thuyết. Chẳng hạn như khi phần đề trở thành một đoạn văn khá dài, khi phần thuyết được đặt ở phía trước của phần đề hay khi lược bớt động từ “là” ở trong một câu luận.
Xem thêm:
- Dấu chấm than là gì? Ví dụ, ý nghĩa và cách sử dụng
- Dấu ngoặc đơn là gì? Ví dụ cụ thể, tác dụng và bài tập áp dụng
Bài tập vận dụng dấu phẩy
Sau khi tìm hiểu các thông tin ở bên trên, chắc chắn các bạn đã hiểu rõ ý nghĩa dấu phẩy, tác dụng của dấu phẩy, cách dùng dấu phẩy như nào rồi. Để củng cố được phần kiến thức này, chúng ta hãy cùng làm bài tập về dấu phẩy ở dưới đây.
Câu 1: Hãy đặt dấu phẩy vào vị trí thích hợp trong các câu sau.
- Từ xư đến nay Thánh Gióng vẫn luôn là hình ảnh rực rỡ về lòng yêu nước sức mạnh phi thường và tinh thần sẵn sàng chiến đấu chống giặc ngoại xâm của dân tộc Việt Nam ta.
- Buổi sáng sương muối đã phủ trắng cành cây và bãi cỏ. Gió bấc thì hun hút thổi. Núi đồi thung lũng làng bản thì chìm trong biển mây mù. Mây bò ở trên mặt đất tràn vào trong nhà và quấn lấy những người đi đường.
Trả lời
Dấu phẩy được điền vào các câu như sau:
- Từ xư đến nay, Thánh Gióng vẫn luôn là hình ảnh rực rỡ về lòng yêu nước, sức mạnh phi thường và tinh thần sẵn sàng chiến đấu chống giặc ngoại xâm của dân tộc Việt Nam ta.
- Buổi sáng, sương muối đã phủ trắng cành cây và bãi cỏ. Gió bấc thì hun hút thổi. Núi đồi, thung lũng, làng bản thì chìm trong biển mây mù. Mây bò ở trên mặt đất, tràn vào trong nhà và quấn lấy những người đi đường.
Câu 2: Điền dấu phẩy vào những chỗ thích hợp ở trong các đoạn văn sau đây.
- Chợ Hòn Gai vào buổi sáng la liệt tôm cá. Những con cá sống khỏe được vớt lên hàng giờ vẫn còn giãy đành đạch vảy xám hoa đen lốm đốm. Những con cá chim có mình dẹt giống như hình con chim lúc sải cánh bay thịt ngon thuộc loại nhất nhì. Những con cá nhụ béo núc trắng lốp và bóng mượt như được quét thêm một lớp mỡ ngoài vảy. Những con tôm he tròn thịt căng lên từng ngấn giống cổ tay của trẻ lên ba da xanh ánh cùng hàng chân choi choi như muốn bơi.
- Ngoài giờ học chúng tôi còn tha thẩn ở bờ sông bắt bướm. Chao ôi những con bướm với đủ hình dáng màu sắc. Con thì xanh biếc như nhung bay nhanh loang loáng. Con thì vàng sậm nhiều hình mặt nguyệt ven cánh có răng cưa lượn lờ đờ giống như trôi trong nắng.
Trả lời
- Chợ Hòn Gai vào buổi sáng la liệt tôm cá. Những con cá sống khỏe được vớt lên hàng giờ vẫn còn giãy đành đạch, vảy xám hoa đen lốm đốm. Những con cá chim có mình dẹt giống như hình con chim lúc sải cánh bay, thịt ngon thuộc loại nhất nhì. Những con cá nhụ béo núc, trắng lốp và bóng mượt như được quét thêm một lớp mỡ ngoài vảy. Những con tôm he tròn, thịt căng lên từng ngấn giống cổ tay của trẻ lên ba, da xanh cùng hàng chân choi choi như muốn bơi.
- Ngoài giờ học, chúng tôi còn tha thẩn ở bờ sông bắt bướm. Chao ôi, những con bướm với đủ hình dáng, màu sắc. Con thì xanh biếc như nhung bay nhanh loang loáng. Con thì vàng sậm, nhiều hình mặt nguyệt, ven cánh có răng cưa, lượn lờ đờ giống như trôi trong nắng.
Câu 3: Trong bài Cây tre Việt Nam, nhà văn Thép Mới đã viết: “Cối xay tre nặng nề, từ nghìn đời nay, xay nắm thóc.”
Cách dùng dấu phẩy của tác giả ở trong câu trên đã tạo ra nhịp điệu như thế nào cho câu văn? Nhịp điệu ấy đã góp phần diễn tả về điều gì?
Trả lời
Dấu phẩy trong câu của nhà văn Thép Mới được sử dụng làm mục đích tu từ. Nhờ hai dấu phẩy này, tác giả đã tách câu thành những đoạn cân đối, diễn tả được nhịp quay đều đặn và chậm rãi của chiếc cối xay.
Hy vọng bài viết này mang đến các thông tin hữu ích để các bạn có thể hiểu rõ tác dụng của dấu phẩy và cách dùng cho chuẩn xác. Nếu các bạn còn thắc mắc về nội dung trong bài này, hãy đặt câu hỏi bên dưới để chúng tôi giải đáp chỉ tiết nhé.
Xem thêm:
- Dấu hai chấm là gì? Tác dụng, vị trí của dấu hai chấm và bài tập áp dụng
- Dấu chấm lửng và dấu chấm phẩy | Khái niệm, ví dụ, cách sử dụng