Dấu hai chấm là một trong các dấu câu quen thuộc trong hệ thống dấu câu. Tuy nhiên, trong quá trình viết câu thì nhiều người còn nhầm lẫn khá nhiều. Vậy hãy cùng chúng tôi tìm hiểu dấu hai chấm là gì, tác dụng của dấu hai chấm và cách dùng dấu hai chấm cho đúng nhé.
Dấu hai chấm là gì?
Dấu hai chấm có trong hệ thống dấu câu của tiếng Việt và cả tiếng Anh. Chúng ta cũng đã được tìm hiểu và học dấu hai chấm từ lớp 3. Dấu hai chấm được ký hiệu với 1 chấm trên và một chấm phía dưới song song nhau đó là “:”.
Không như dấu phẩy hay dấu chấm thường được sử dụng ở hầu hết các câu văn, đoạn văn. Dấu hai chấm không phải trường hợp nào cũng sử dụng được, đòi hỏi người dùng phải biết được lúc nào nên dùng, lúc nào không nên dùng để diễn tả ý nghĩa của câu văn đúng chuẩn hơn.
Vị trí dấu hai chấm thường nằm ở giữa câu hoặc ở sau chủ ngữ trong câu.
Ví dụ: Trong câu “Những tỉnh thuộc khu vực Đông Nam Bộ gồm: Thành Phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước và Tây Ninh” thì dấu hai chấm nằm ở giữa câu.
Dấu hai chấm dùng để làm gì?
Các tác dụng của dấu hai chấm đó là:
– Hỗ trợ giải thích cho câu trước: Có tác dụng báo hiệu phần giải thích và giúp người đọc phân định phần thuyết minh, giải thích cho các đoạn/câu trước đó.
– Liệt kê: Sử dụng dấu hai chấm nếu như muốn liệt kê các sự việc, sự vật liên quan đến câu hoặc đoạn văn trước đó.
– Thông báo lời thoại: Dấu hai chấm được dùng để báo trước lời thoại trực tiếp hoặc trích dẫn lời nói của một nhân vật cụ thể. Lúc này, dấu hai chấm sẽ đi kèm với một dấu gạch đầu dòng ở hàng tiếp theo, hoặc là dấu ngoặc kép để trích dẫn lời nói cụ thể thành văn bản.
Bài tập về dấu hai chấm
Bài 1:
a) Em hãy cho biết các dấu hai chấm dưới đây có công dụng gì?
– Chú Tư đi chợ huyện về, mang theo rất nhiều thứ: cây ớt con, thịt bò, rau cải, măng khô, bánh rán…
– Mỗi khi cảm thấy chán nản, muốn bỏ cuộc, em thường nhớ đến một câu danh ngôn mà cô giáo đã dạy: “Trên đường thành công, không có dấu chân của kẻ lười biếng”.
– Đang đi chơi với bạn, nhưng thấy thầy giáo đi qua, Hùng vẫn dừng xe lại để chào thầy: Em chào thầy Tuấn ạ!
b) Em hãy viết lại câu (2) và (3) để tác dụng của dấu hai chấm trong câu được thay đổi.
Trả lời:
a) Công dụng của dấu hai chấm trong các câu trên là:
– Liệt kê các đồ vật mà chú Tư mua.
– Biểu thị phía sau có một lời dẫn nguyên văn của nhân vật.
– Biểu thị lời đối thoại của nhân vật.
b) Cách thay đổi:
Câu | Câu sau khi thay đổi | Công dụng của dấu hai chấm |
(2) | Mỗi khi cảm thấy chán nản, muốn bỏ cuộc, em thường nhớ đến một câu danh ngôn mà cô giáo đã dạy ở lớp:
– Trên đường thành công, không có dấu chân của kẻ lười biếng. |
Biểu thị câu hội thoại |
(3) | Đang đi chơi với bạn, nhưng thấy thầy giáo đi qua, Hùng vẫn dừng xe lại để chào thầy: “Em chào thầy Tuấn ạ!” | Biểu thị lời nói của nhân vật được trích dẫn |
Bài 2: Hãy nêu công dụng của dấu hai chấm trong các trường hợp sau.
a) Từ ban công phòng mình, Thắm nhìn thấy được cả một thế giới hoa ở dưới sân nhà mình. Đó là: cát cánh, cúc, thược dược, hồng nhung,… Hoa nào cũng đẹp, cũng nở cũng tươi rực rỡ, khiến em phải say sưa.
b) Chuyện là bác Tùng sang chơi, dẫn theo cái Lan. Hà muốn dẫn Lan đi xem mấy mầm cải vừa gieo trong chậu cây vừa mới nhú ở sau nhà nên chạy lại hỏi bác:
– Bác ơi, cháu xin phép đưa Lan ra sau nhà xem cây mầm với cháu nhé!
– Ừ, hai chị em đi cẩn thận. – Bác Tùng cười hiền lành.
c) Chíp và Nhím kể cho nhau nghe những chuyện thú vị đã gặp lúc nghỉ hè. Kể đến chuyện con gà con, Chíp liền đứng dậy bắt chước dáng đi của con gà. Vừa đi Chíp vừa kêu: “Chiếp, chiếp, chiếp” cứ như thật, khiến Nhím cười nắc nẻ.
Trả lời:
a) Dấu hai chấm báo hiệu cho phần nội dung được liệt kê ở phía sau (tên các loài hoa).
b) Dấu hai chấm biểu thị lời đối thoại.
c) Dấu hai chấm biểu thị lời trích dẫn âm thanh của con gà.
Với những chia sẻ bên trên có thể thấy dấu hai chấm là một dấu câu rất đặc biệt, giúp cho người dùng hiểu được ý nghĩa của câu nói phía sau. Đừng quên theo dõi chuthapdoquangninh.org.vn để nắm thêm nhiều thông tin hữu ích khác nhé!