Cúng dường – một phương pháp tu tập theo quan niệm của đạo Phật để tỏ lòng thành kính với Đức Phật, chư Phật, chư Bồ Tát. Vậy cúng dường là gì? Cách cúng dường như thế nào là đúng? Hãy cùng với chúng tôi tìm hiểu chi tiết về khái niệm này nhé!
Cúng dường là gì?
Cúng dường hay cung dưỡng theo như quan điểm của đạo Phật thì đây là hình thức công đức các lễ vật như thức ăn, hoa quả, hương, nhang, đèn, kinh sách, giáo thuyết… dâng lên các chư Phật, chư Bồ Tát để tỏ lòng tôn kính, biết ơn.
Nó cũng giống như việc chúng ta biết ơn và cung kính đối với gia tiên, đối với các bậc phụ mẫu trong gia đình hay học trò thể hiện lòng kính trọng đối với thầy cô giáo của mình…
Cúng dường là hoạt động của các tăng nhân, phật tử được diễn ra trong các ngày lễ của đạo Phật. Hoặc cũng có thể do các tăng nhân, phật tử tự tổ chức thực hiện để tỏ lòng thành kính đối với Đức Phật, chư Phật, chư Bồ Tát.
Cúng dường cũng là một phương pháp tu tập theo như quan niệm của đạo Phật. Mục đích của hoạt động này là để tích đức, tích phước báu về sức khỏe, phúc thọ, trí tuệ với mong muốn có được hạnh phúc và sự an vui trong cuộc đời.
Ý nghĩa của hoạt động cúng dường là gì?
Theo như quan điểm của Phật giáo thì cúng dường để giảm bớt lòng tham của con người. Có thể nói việc cúng dường chính là cho đi để tỏ lòng thành kính và biết ơn. Trong khi lòng tham chính là một trong những nhân tố gây trở ngại lớn nhất trong việc giác ngộ đạo Phật. Về nhân quả thì việc cúng dường giúp con người vượt qua được sự ích kỷ và mở rộng tấm lòng mình. Từ đó sẽ được nhiều người yêu quý cũng như tích phúc đức cho đời sau. Trong kinh tăng chi bộ, có ba phần thuộc về người bố thí đó chính là: “Một là trước khi bố thí, ý được vui lòng. Hai là trong khi bố thí, tâm được tịnh tín. Ba là sau khi bố thí, cảm thấy hoan hỷ”.
Ngoài ra thì ý nghĩa thực tiễn cho thấy việc cúng dường cũng giúp công sức đóng góp vào việc xây dựng các cơ sở vật chất, tu sửa chùa chiền cũng như là nơi ăn ở của các chư Tăng. Việc cúng dường vừa là tự nguyện, tự thân cũng vừa là trách nhiệm của một phật tử khi thực hiện sự nghiệp tu học của mình.
Như vậy, việc cúng dường mang lại ý nghĩa cả về vật chất và tinh thần to lớn trong đạo Phật. Cúng dường là hình thức tạo công đức mà tất cả phật tử hay một người bình thường đều có thể thực hiện nhằm để tích phúc. Việc cúng dường về ý nghĩa thực tế thì cũng là một hình thức từ thiện, còn đối với ý nghĩa tinh thần thì nó giúp mở rộng thiện tâm, mở rộng lòng thành, thanh lọc cái ích kỷ, tiêu cực trong mỗi con người, giúp cho con người có thể đạt được sự hạnh phúc và yên bình.
Cách cúng dường Tam Bảo là gì?
Tam Bảo chính là Phật, Pháp, Tăng, cụ thể như sau:
– Phật đã là quá khứ và nay chỉ còn lại hình tượng. Nhờ có Phật mà tìm ra được con đường giải thoát chúng sanh khỏi bể trầm luân của vòng sinh tử luân hồi.
– Pháp là giáo lý của Đức Phật và được truyền lại từ đời này sang đời khác, Phật tử nhờ vào đó mà biết được chân lý và tu hành giải thoát khỏi bể khổ đau.
– Tăng là những tu sĩ theo Phật học Chánh Pháp, giúp cho Phật giáo trường tồn và hưng thịnh hơn.
Tất cả những sự bảo bọc, giúp đỡ để gìn giữ Tam Bảo thì đều gọi là cúng dường Tam Bảo với mục đích là đền đáp ân đức đã được Tam Bảo ban cho. Cúng dường Tam Bảo hồi hướng phước báu giúp cho tâm người Phật tử được thăng hoa, xả ly của cải và vun bồi công đức.
Cúng dường Phật bảo
Mặc dù Phật đã nhập diệt nhưng chúng ta vẫn cúng dường Phật những đồ ăn, thức uống để hình dung như Đức Phật vẫn còn sống và đang dạy dỗ chúng ta tu học. Do đó mà chúng ta không nên bày biện linh đình, hoang phí.
Lục cúng dường những món cúng Phật đúng nghĩa đó là: hương thơm, đèn sáng, hoa tươi, trái cây, nước trong và đôi khi thêm cơm trắng là đủ.
Tuy nhiên quý nhất để cúng dường lên Phật chính là 5 món diệu hương:
– Giới hương: Chúng ta phải giữ giới thanh tịnh để xứng đáng là con của Phật.
– Định hương: Tập định tĩnh tâm hồn, đừng cho xao động và mê nhiễm.
– Huệ hương: Cần chú ý vào văn, tư và tu. Nghĩa là phải học hỏi giáo pháp của Phật, sau đó thì suy xét, nghiền ngẫm và quyết tâm thực hành.
– Giải thoát hương: Phá trừ ngã chấp, luôn quán vô ngã, tứ đại là không, nghiệp thức phân biệt cũng là không.
– Giải thoát tri kiến hương: Phá trừ luôn pháp chấp, không thấy đất, nước, gió, lửa là thật, vui buồn, sướng khổ là thật.
Cúng dường Pháp bảo
Trước hết thì ta phải học và nghiên cứu giáo pháp của Đức Phật để hiểu rõ sự cao quý của giáo pháp ấy.
Sau đó, nếu như có tài chính thì nên xuất tiền ấn tông kinh điển, phổ biến ra nhiều nơi.
Người có trình độ học thức thì nên diễn giảng giáo pháp để mọi người cùng hiểu. Hoặc có thể sáng tác các thể loại văn chương, lý luận cho người đọc thấm nhuần. Hoặc là phiên dịch các bộ kinh từ ngoại ngữ sang tiếng Việt cho mọi người dễ theo dõi…
Cúng dường Tăng bảo
Chư Tăng là những người thay thế Đức Phật truyền lại giáo pháp cho chúng ta. Chính vì vậy mà chúng ta phải cung cấp và nuôi dưỡng chư Tăng.
Thái độ cúng dường phải thành kính, trân trọng, không được tự cao và không được phép phân biệt vị Tăng ở chùa nào, xứ nào cả. Vị nào ở trong hàng ngũ Tăng đoàn thì đều được chúng ta cứ cúng dường.
Nên chọn những món cần thiết cho đời sống tu học chân chính của chư Tăng. Không nên chiều theo những sở thích riêng tư của vị tăng này vị tăng kia mà thực hiện cúng dường những món không đúng với Chánh pháp. Bởi như vậy thì người cúng cũng không có phước báu mà người thọ nhận cũng sẽ mang tội.
Lễ cúng dường tổ chức ở đâu?
Như đã nói ở trên, cúng dường thường được tổ chức vào các ngày lễ của Phật giáo hoặc là do các Tăng sĩ, Phật tử tổ chức nhằm thể hiện lòng thành kính đối với Đức Phật và tích nhiều công đức.
Việc cúng dường thường được tổ chức tại chùa hoặc tại nhiều địa điểm, khu vực trong cùng một buổi lễ. Ở phái Nam Tông thì việc cúng dường Tăng bảo phổ biến ở hình thức là khất thực, tức là các chư Tăng sẽ di chuyển đến nhiều nơi để nhận tấm lòng thành của các Phật tử.
Phật giáo cũng không quy định những nghi thức cụ thể về việc tổ chức cúng dường này. Vì vậy mà có nhiều trường hợp việc cúng dường được thực hiện chưa đúng với mục đích của Đạo Phật. Nhiều người đã lợi dụng lòng tin của Phật tử để thực hiện việc cúng dường vừa trái với quy định định của Phật giáo cũng như trái với đạo đức. Do đó, mỗi chư Tăng, Phật tử cần phải hiểu rõ lời dạy của Đức Phật trong việc cúng dường để tránh làm trái với mục đích và ý nghĩa của công đức.
Ngoài ra thì chúng ta có thể cúng dường tại nhà. Nhà của mỗi người Phật tử thường có một bàn thờ để thờ Phật, các vị bồ tát và bên cạnh đó là ông bà (những người đã khuất). Cúng dường tại nhà bằng cách chúng ta thường xuyên để ý chăm sóc bàn thờ với hoa quả tươi, nước sạch, lau dọn khu vực thờ sạch sẽ và hương đèn đầy đủ. Đó cũng là cách thể hiện sự tôn kính đối với Đức Phật của chúng ta.
Như vậy bạn đã hiểu được cúng dường là gì rồi đúng không nào? Việc cúng dường luôn có phước báo cho bản thân mình. Nó cũng là phương pháp tập cho mình xả ly tiền tài của cải, có như vậy thì mới mau thoát khỏi vòng luân hồi sinh tử.