Cà vẹt xe là giấy tờ quan trọng mà chủ xe nào cần phải có để chứng minh quyền sở hữu đối với phương tiện. Cà vẹt xe cũng bị làm giả khá nhiều nên chủ xe cần hiểu rõ cà vẹt xe là gì và biết cách nhận biết cà vẹt xe thật và giả để tránh bị xử phạt khi CSGT kiểm tra.
Cà vẹt xe là gì?
Cà vẹt xe là giấy tờ được dùng để chứng minh chủ sở hữu của phương tiện. Đồng thời nó cũng là cơ sở pháp lý để tránh những tranh chấp về tài sản xe cộ của người dân. Khi không may có tranh chấp xảy ra, các cơ quan có thẩm quyền sẽ căn cứ vào thông tin trên cà vẹt để có thể xác định đúng chủ xe.
Khi tham gia giao thông, cà vẹt xe chính là căn cứ để lực lượng chức năng xác minh xe vi phạm có chính chủ hay không, xác minh chủ xe khi có tai nạn xảy ra. Trong trường hợp xe không may bị mất cắp, bị thay đổi thông tin (số máy, số khung), cà vẹt xe sẽ là giấy tờ cung cấp thông tin quan trọng giúp cho cơ quan công an tìm kiếm xe và điều tra ra đối tượng trộm cắp.
Cách nhận biết cavet xe máy, ô tô thật giả là gì?
Tình trạng làm giả cà vẹt xe ngày nhiều, cà vẹt giả cũng được làm giả rất tinh vi, nếu không quan sát kỹ sẽ rất khó có thể nhận biết được. Để nhận biết cà vẹt xe thật giả, chủ xe có thể dựa vào một số dấu hiệu nhận biết dưới đây.
Dấu hiệu | Cà vẹt thật | Cà vẹt giả |
Chi tiết phôi và phù hiệu | Hoa văn trên huy hiệu ngành và phôi đều được in chất lượng cao, dễ nhìn và sắc nét. Các hoa văn cực kỳ chi tiết và nếu bạn nhìn kỹ sẽ thấy huy hiệu ngành hơi nổi lên. | Tất cả các chi tiết huy hiệu, hoa văn có chất lượng kém, hoa văn mờ và sơ sài. |
Thông tin trên cà vẹt | Khi in lần đầu, tất cả các thông tin về chủ sở hữu và xe đều được in laser, chữ được in liền nét và khoanh màu xanh lá.
Khi in lần thứ hai các thông tin trên cà vẹt sẽ được khoanh màu vàng và in kim. |
Thông tin chỉ được in laser. |
Sợi kim tuyến | Trên cà vẹt thật sẽ có 1 sợi kim tuyến nhỏ, bạn cần phải quan sát kỹ mới thấy được. | Sợi kim tuyến to, thô và rất dễ nhìn thấy. |
Ngoài ra, trên mỗi chiếc cà vẹt xe máy, ô tô sẽ được in huy hiệu chìm, rất khó để nhìn thấy bằng mắt thường và rất khó để làm giả. Khi kiểm tra, người dùng có thể dùng đèn UV chiếu mặt cà vẹt để quan sát. Nếu thấy cà vẹt có huy hiệu hiện lên đẹp và sắc nét thì đó là cà vẹt thật và ngược lại thì là cà vẹt giả.
Không có cà vẹt xe phạt bao nhiêu?
Cà vẹt xe là giấy tờ mà chủ xe bắt buộc phải đem theo khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông. Khi tiến hành kiểm tra, CSGT hoặc các cơ quan có thẩm quyền sẽ yêu cầu lái xe xuất trình bằng lái, giấy đăng ký xe, chứng minh thư/căn cước công dân và một số giấy tờ liên quan khác.
Nếu như thiếu cà vẹt, chủ xe sẽ bị xử phạt rất nặng và đối mặt với nguy cơ bị tịch thu phương tiện. Cụ thể theo Nghị định 123/2021/ND-CP (được sửa đổi, bổ sung Nghị định 100/2019/NĐ-CP) quy định mức phạt đối với các chủ xe mắc lỗi mà không xuất trình được Giấy đăng ký xe như sau:
Đối với chủ xe ô tô (cả rơ moóc và sơ mi rơ moóc): Căn cứ theo điểm a khoản 4; điểm b khoản 6; điểm c, đ khoản 8 Điều 16 Nghị định trên:
Không có giấy đăng ký xe hoặc sử dụng giấy đã hết hạn bị phạt tiền từ 2 triệu – 3 triệu đồng và bị tước GPLX từ 1 đến 3 tháng. Nếu như không chứng minh được nguồn gốc phương tiện thì sẽ bị tịch thu xe.
Sử dụng giấy đăng ký xe không phải do cơ quan có thẩm quyền cấp sẽ bị phạt tiền từ 4 triệu đến 6 triệu đồng và bị tước GPLX từ 1 – 3 tháng.
Không mang theo giấy đăng ký sẽ bị phạt tiền từ 200 – 400 nghìn đồng.
Đối với xe máy: Căn cứ theo điểm b khoản 2 Điều 21 Nghị định trên, người lái không mang theo giấy đăng ký xe bị phạt tiền từ 100 – 200 nghìn đồng.
Như vậy, nếu không mang theo cà vẹt xe máy, chủ phương tiện có thể bị phạt 100 – 200 nghìn đồng, đối với trường hợp chủ xe ô tô không mang theo cà vẹt xe thì chịu mức phạt từ 200 – 400 nghìn đồng.
Thủ tục làm lại cà vẹt xe nếu bị mất
Trong trường hợp không may làm mất cà vẹt xe ô tô, xe máy, chủ sở hữu phương tiện có thể làm lại giấy tờ xe đã mất tại cơ quan công an huyện, tỉnh hoặc là thành phố nơi sinh sống. Tại khoản 1, 3 Điều 11, Mục B Thông tư 58/2020 quy định các thủ tục mà chủ xe cần làm để quá trình xin cấp lại cavet diễn ra nhanh chóng. Cụ thể 3 bước sau:
Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ
Chủ phương tiện chuẩn bị giấy khai đăng ký cavet xe theo mẫu quy định và điền đầy đủ thông tin: Tên chủ xe, số máy, số khung xe,…
Xuất trình giấy tờ liên quan:
Đối với công dân Việt Nam: Xuất trình ra CCCD hoặc CMND.
Đối với học viên/sinh viên: Xuất trình ra thẻ học viên/thẻ sinh viên từ năm 2 trở lên và giấy giới thiệu của trường.
Đối với lực lượng vũ trang: Xuất trình ra giấy giới thiệu hoặc giấy xác nhận của đơn vị công tác, giấy chứng minh công an, quân đội (nếu có).
Đối với người Việt Nam sống tại nước ngoài: Cần xuất trình sổ tạm trú/sổ hộ khẩu/hộ chiếu (còn hạn) hoặc các giấy tờ có giá trị thay Hộ chiếu.
Chuẩn bị sổ hộ khẩu bản chính để có thể đối chiếu thông tin.
Bước 2: Nộp hồ sơ ở một trong các cơ quan sau:
Phòng CSGT công an tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương hoặc là điểm đăng ký xe của phòng.
Đội CSGT trật tự – công an huyện, quận, thị xã hoặc là thành phố thuộc tỉnh.
Bước 3: Tiếp nhận hồ sơ và phát giấy hẹn
Cán bộ tiếp nhận hồ sơ rồi đối chiếu thông tin chủ xe. Nếu hồ sơ đã đầy đủ, đối chiếu đúng sẽ cấp giấy hẹn cho chủ phương tiện. Nếu hồ sơ còn thiếu thì chủ xe sẽ được hướng dẫn bổ sung thêm.
Đúng ngày trên giấy hẹn, chủ xe chỉ cần tới điểm nộp hồ sơ để nhận lại đăng ký, hoặc có thể đăng ký nhận qua dịch vụ chuyển phát bưu điện.
Ngoài ra, chủ xe cần nộp lệ phí cấp lại giấy đăng ký phương tiện, cụ thể như sau:
- Kèm theo biển số: 50.000 đồng/lần/xe máy, được áp dụng tại cả 3 khu vực I, II, III.
- Không kèm theo biển số: 30.000 đồng/lần/xe, được áp dụng cho cả ô tô và xe máy.
Lưu ý: Người dân nộp hồ sơ cấp lại cavet từ thứ 2 – 7 hàng tuần (trừ Chủ nhật và các ngày lễ, Tết theo quy định). Thời gian kiểm tra và hoàn thành thủ tục là không quá 30 ngày, kể từ ngày nộp hồ sơ.
Qua những thông tin trên, hy vọng chủ xe có thể hiểu rõ cà vẹt xe là gì và tầm quan trọng của loại giấy tờ này. Nếu không may làm mất, hỏng, rách cà vẹt xe, chủ phương tiện cần làm thủ tục làm lại ngay để tránh bị xử phạt khi các cơ quan có thẩm quyền kiểm tra.