Ăn trông nồi ngồi trông hướng là câu tục ngữ được ông cha ta truyền lại cho con cháu về cách sống, cách ứng xử trong cuộc sống. Để hiểu rõ hơn về ý nghĩa ăn trông nồi ngồi trông hướng là gì, hãy tham khảo bài viết chi tiết dưới đây!
Ăn trông nồi, ngồi trông hướng là gì?
Ăn trông nồi, ngồi trông hướng là câu nói đơn giản, mang tính khuyên nhủ chúng ta 2 vấn đề quan trọng trong cuộc sống. Đó là:
Ăn trông nồi: Đề cập đến việc chúng ta nên ăn uống như thế nào cho đúng mực, đúng hoàn cảnh. Văn hóa ngồi trên bàn ăn là một trong những bài học đầu tiên mà chúng ta được học.
Ăn quá nhiều, quá nhanh, ăn hết cả phần của người khác hay ăn mà không nhìn xem mọi người có đang dùng thức ăn đó không thì đó là cách ăn chưa đúng. Khi ăn phải ăn uống từ tốn, lịch sự; bên cạnh đó phải biết nhường nhịn, biết khéo léo trong cách lựa chọn thức ăn, đặc biệt khi trên bàn ăn có người lớn tuổi.
Ngồi trông hướng: Nhắc nhở chúng ta khi ngồi ăn dù là ở bất cứ đâu, cần phải có ý thức, khi đứng lên ngồi xuống phải giữ phép lịch sự. Đó là không nên ngồi ăn chắn lối đi của người khác, việc đi, đứng, ngồi tùy vào vị trí và vị thế của mình, luôn nhường chỗ cho người lớn tuổi.
Như vậy, ăn trông nồi ngồi trông hướng là câu nói nhắc nhở chúng ta cần có phong thái, cách cư xử sao cho đúng, hợp với hoàn cảnh và thời điểm.
Xem thêm:
- Mật ngọt chết ruồi là gì? Ý nghĩa, bài học
- Tai vách mạch dừng hay tai vách mạch rừng mới đúng?
- Quả bồ hòn có vị gì? Ý nghĩa câu ngậm bồ hòn làm ngọt
- Con giun xéo lắm cũng quằn? Ý nghĩa, bài học rút ra
Ý nghĩa câu “Ăn trông nồi ngồi trông hướng”
Ăn trông nồi ngồi trông hướng là câu nói đề cao quy tắc ứng xử trong cuộc sống và đây cũng là một kỹ năng sống mà mọi người nên chú ý để cư xử sao cho phù hợp.
Thông qua câu tục ngữ “Ăn trông nồi ngồi trông hướng” như một lời dạy về cách ăn uống, đi đứng của mỗi người. Khi ăn uống không nên quá thô lỗ, chỉ nghĩ đến nhu cầu của mình mà quên đi rằng mình đang ăn cùng người khác, đặc biệt là khi ăn cùng với người lớn tuổi. Không nên đụng đũa trước khi người lớn chưa bắt đầu ăn và không nên tiếp tục ăn khi mọi người đã dùng xong.
Đối với việc ngồi, cần chú ý vị trí ngồi sao cho phù hợp, nhất là khi có nhiều người ngồi xung quanh. Không nên ngồi chắn lối đi hay chen chỗ với người khác. Nếu có người lớn tuổi hơn thì nên nhường chỗ, vì đây vừa là phép lịch sự, vừa là lối sống tốt đẹp mà mỗi người nên có.
Trong cuộc sống hằng ngày, chúng ta cần nhìn nhận lại đạo đức, lễ nghi của bản thân, nhận biết và làm chủ hành vi của mình. Có như vậy mới không làm ảnh hưởng đến mọi người xung quanh. Hãy tập cho mình lối sống văn minh hơn, biết chia sẻ, nhường nhịn, mỗi người một hành động, một cách cư xử đẹp thì xã hội mới văn minh, phát triển hơn.
Bài học câu nói “Ăn trông nồi ngồi trông hướng”
Thời nay, khi cuộc sống hiện đại vội vã, xô bồ con người dễ quên đi những hành động nhỏ bé nhưng lại không kém phần quan trọng trong cuộc sống. Chính vì vậy, câu tục ngữ “Ăn trông nồi ngồi trông hướng” là bài học đạo lý về phép tắc, là điều mà từ khi sinh ra đều mỗi người đều cần tiếp thu và được giáo dục. Không chỉ là cách ăn uống, đi đứng mà còn sâu xa hơn là ý thức cá nhân, cách cư xử sao cho đúng mực, lịch sự trong mỗi trường hợp khác nhau.
Ý thức sẽ quyết định nên sự hình thành nhân cách, lối sống của mỗi người; không vô ý thức, không nên quá hồn nhiên trong ăn uống, trong xử sự. Đặc biệt đối với thế hệ trẻ thì bài học ấy càng cần thiết hơn trong học tập, cuộc sống sau này.
Sự thành công, vui vẻ hay hạnh phúc đều được bắt nguồn từ rất nhiều yếu tố khác nhau. Trong đó, có những yếu tố nhỏ nhất bắt nguồn từ những kỹ năng sống phù hợp, chuẩn mực. Đừng học đâu xa xôi hay những kiến thức quá cao rộng mà hãy bắt đầu học từ những điều nhỏ nhặt nhất. Điều đó sẽ giúp phần đưa con người ta đến mục đích của mình dễ dàng và trọn vẹn hơn.
Như vậy, qua câu tục ngữ ăn trông nồi, ngồi trông hướng mà chúng tôi đã chia sẻ trong bài viết này. Mong rằng, với những ý nghĩa và bài học mà ông cha ta đã nhắn nhủ sẽ giúp bạn có thể học hỏi và hoàn thiện bản thân để có phong thái, cách cư xử phù hợp trong mọi tình huống trong cuộc sống.