Trong cuộc sống hàng ngày, chúng ta có thể bắt gặp nhiều kiểu phong cách ngôn ngữ khác nhau. Vậy thì phong cách ngôn ngữ là gì, làm sao để nhận biết được các phong cách ngôn ngữ? Hãy cùng chúng mình giải đáp những thắc mắc này thông qua bài viết dưới đây nhé.
Phong cách ngôn ngữ là gì?
Phong cách có thể hiểu một cách đơn giản là những đặc điểm riêng hay nét đặc trưng, điểm nhấn để ta phân biệt được sự vật, sự việc, hiện tượng này với những sự vật, hay sự việc, hiện tượng khác.
Như vậy phong cách ngôn ngữ chính là những nét đặc trưng của từng kiểu diễn đạt ngôn ngữ cả nói và viết trong đời sống hằng ngày. Từ đó, ta có thể phân biệt được một phong cách ngôn ngữ này với phong cách ngôn ngữ khác, biết cách áp dụng đúng những phong cách ngôn ngữ phù hợp vào trong những ngữ cảnh cụ thể trong giao tiếp.
Những phong cách ngôn ngữ có mấy loại?
Trong tiếng Việt, phong cách ngôn ngữ có thể được chia thành 6 loại, mỗi loại đều có những đặc điểm riêng.
Phong cách ngôn ngữ sinh hoạt
Phong cách ngôn ngữ đầu tiên, được xem là kiểu cơ bản nhất chính là phong cách ngôn ngữ sinh hoạt.
Phong cách ngôn ngữ sinh hoạt sử dụng lời ăn tiếng nói thông thường như thư từ, nhật ký, tin nhắn, trò chuyện,… Nó được sử dụng trong các đoạn hội thoại, giao tiếp trong đời sống. Kiểu phong cách ngôn ngữ này thể hiện được tính cá thể, tính cảm xúc và tính cụ thể về những nội dung giao tiếp, bối cảnh giao tiếp,…
Cách để nhận biết phong cách ngôn ngữ sinh hoạt rất đơn giản. Ta dựa vào từ ngữ, ngữ pháp được người nói (người viết) sử dụng. Ngôn ngữ sinh hoạt mang tính chất bình dân, đơn giản và rất dễ hiểu, không sử dụng các thuật ngữ phức tạp liên quan đến học thuật.
Phong cách ngôn ngữ khoa học
Phong cách ngôn ngữ khoa học có những đặc điểm cũng như cách nhận biết như sau:
Đúng như tên gọi, đây là kiểu phong cách ngôn ngữ được sử dụng trong phạm vi thuộc về các lĩnh vực khoa học nào đó. Phong cách ngôn ngữ khoa học thể hiện tính khái quát và trừu tượng, tính lí trí, tính logic và tính khách quan, phi cá thể.
Để nhận biết phong cách ngôn ngữ khoa học trong các loại văn bản, ta cần xem xét các từ ngữ, định nghĩa,… mang tính chuyên môn về một vấn đề, hoặc một lĩnh vực nào đó trong cuộc sống.
Phong cách ngôn ngữ nghệ thuật
Về đặc điểm và cách nhận biết thì phong cách ngôn ngữ sinh hoạt có những điểm cần lưu ý sau đây:
Phong cách ngôn ngữ nghệ thuật chủ yếu sử dụng trong những tác phẩm nghệ thuật ở cả dạng nói và dạng viết. Đó có thể là truyện ngắn, thơ ca, tiểu thuyết, âm nhạc, chèo, tuồng, kịch,…
Ngôn ngữ thuộc kiểu phong cách này sẽ được trau chuốt cẩn thận hơn ngôn ngữ thông thường, sao cho mang đến những giá trị thẩm mỹ cao. Bên cạnh đó, phong cách ngôn ngữ nghệ thuật còn đề cao tính cảm xúc và thường sử dụng các phép tu từ, biện pháp nghệ thuật (như là so sánh, nhân hóa, ẩn dụ, chơi chữ,…).
Để phân biệt phong cách ngôn ngữ nghệ thuật so với các kiểu phong cách ngôn ngữ còn lại, ta sẽ xét đến ngữ cảnh giao tiếp, tính truyền cảm cùng cách trau chuốt từ ngữ của người nói hoặc người viết hay các biện pháp nghệ thuật được sử dụng.
Phong cách ngôn ngữ báo chí
Tương tự với các loại phong cách ngôn ngữ sinh hoạt, khoa học và nghệ thuật, phong cách ngôn ngữ báo chí cũng sử dụng rất phổ biến trong đời sống hàng ngày.
Phong cách ngôn ngữ báo chí có thể được sử dụng ở cả dạng nói và dạng viết, như: Tin, bài, phóng sự, đài phát thanh, truyền hình,… Mục đích khi sử dụng phong cách ngôn ngữ báo chí là để cơ quan báo chí phản ánh một cách khách quan và trung thực về các vấn đề, sự việc… nóng hổi xảy ra trong đời sống, đang được dư luận xã hội đặc biệt quan tâm, nhằm đáp ứng nhu cầu thông tin của công chúng.
Phong cách ngôn ngữ báo chí đặc biệt đề cao tính thời sự, tính ngắn gọn, tính súc tích về dễ hiểu đối với mọi đối tượng công chúng.
Để nhận biết phong cách ngôn ngữ báo chí, chúng ta sẽ dựa vào cách lập luận và sử dụng từ ngữ. Lập luận trong văn bản báo chí thường ngắn gọn, súc tích, rõ ràng, đưa ra các số liệu, dẫn chứng chặt chẽ để thuyết phục được người đọc, người xem.
Bên cạnh đó, từ ngữ được sử dụng trong phong cách ngôn ngữ báo chí phải là các từ ngữ bình dân, dễ hiểu và dễ tiếp cận đến với mọi đối tượng công chúng. Nếu đưa ra các thuật ngữ chuyên môn thì người đưa tin phải giải thích rõ thuật ngữ đó.
Phong cách ngôn ngữ hành chính
Phong cách ngôn ngữ hành chính là phong cách ngôn ngữ chỉ được sử dụng trong các loại văn bản hành chính, ít phổ biến hơn phong cách ngôn ngữ sinh hoạt.
Phong cách ngôn ngữ hành chính thường được trình bày theo khuôn mẫu đã có sẵn, người viết phải tuân thủ chặt chẽ. Ngoài ra, trong các văn bản hành chính, người viết thường sử dụng các câu văn dài để tách những ý quan trọng thành nhiều đoạn nhỏ.
Phong cách ngôn ngữ hành chính phải thể hiện rõ tính công vụ. Thể loại này không đề cập đến tính cá thể, thường mang ý nghĩa toàn dân, chỉ dùng từ ngữ mang tính ước lệ, không sử dụng phép tu từ nghệ thuật, chỉ sử dụng lối diễn đạt dễ hiểu và ngắn gọn và tuân theo các khuôn mẫu nhất định.
Chúng ta có thể dựa vào các từ ngữ mang tính ước lệ, tính công vụ để nhận biết phong cách ngôn ngữ hành chính so với các kiểu phong cách ngôn ngữ còn lại. Ví dụ như các từ: kính gửi, trân trọng,… hay bố cục của một văn bản ví dụ như có quốc hiệu và tiêu ngữ, người nhận/cơ quan tiếp nhận văn bản, các chương – điều – khoản…
Phong cách ngôn ngữ chính luận
Về đặc điểm và cách nhận biết của phong cách ngôn ngữ chính luận, chúng ta sẽ dựa vào những điểm dưới đây:
Phong cách ngôn ngữ chính luận chủ yếu là được dùng trong các loại văn bản chính luận, hay trong các cuộc họp, buổi hội nghị, hội thảo,… Đặc trưng của kiểu phong cách ngôn ngữ này là chúng đề cập, đánh giá, bình luận, thảo luận,… về một vấn đề, khía cạnh, lĩnh vực nào đó đang phổ biến trong đời sống xã hội.
Trong phong cách ngôn ngữ chính luận, chúng ta có thể sử dụng biện pháp tu từ để tăng tính chặt chẽ, thuyết phục và tính logic cho lập luận, luận điểm của mình. Đồng thời, các từ ngữ được dùng cũng phải đảm bảo tính truyền cảm và thuyết phục, sử dụng một hệ thống luận cứ, có dẫn chứng rõ ràng và đầy đủ.
Thông thường, trong các văn bản chính luận thì người viết hay người nói thường sử dụng nhiều từ ngữ chính trị, xây dựng lối diễn đạt, lập luận ngắn gọn, có tính liên kết chặt chẽ với nhau. Ngoài ra, các từ ngữ trong văn bản chính luận phải cụ thể, rõ ràng, tránh mơ hồ về nghĩa, sử dụng các dẫn chứng cụ thể và xác đáng.
Trên đây là giải thích phong cách ngôn ngữ là gì và 6 loại phong cách ngôn ngữ thông dụng nhất trong tiếng Việt. Hy vọng bài viết trên đã mang đến cho các bạn và các em học sinh nhiều kiến thức bổ ích. Chúc các em luôn đạt được kết quả cao trong môn Ngữ văn.