Từ đa nghĩa là gì? Phân biệt từ đa nghĩa và từ đồng âm

Từ đa nghĩa là nội dung quan trọng trong Ngữ Văn lớp 6, thường hay xuất hiện nhiều trong các bài kiểm tra và bài thi học kỳ. Vậy từ đa nghĩa là gì? Phân loại từ đa nghĩa như nào? Hãy cùng chúng tôi tìm hiểu chi tiết về nội dung này qua các thông tin trong bài viết nhé.

Từ đa nghĩa là gì?

Từ đa nghĩa (từ nhiều nghĩa) là những từ có nhiều nghĩa biểu thị về đặc điểm, thuộc tính khác nhau của một đối tượng. Hiện tượng nhiều nghĩa này được quan sát thấy ở hầu hết các loại ngôn ngữ trên thế giới.

Trong tiếng Việt, từ đa nghĩa là loại từ có một nghĩa gốc và một hay một số nghĩa chuyển khác. Các nghĩa của từ này bao giờ cũng sẽ có mối liên hệ với nhau. Hay nói cách khác, một từ có thể gọi tên nhiều sự vật, hiện tượng hoặc biểu thị cho nhiều khái niệm thì từ ấy được gọi là từ nhiều nghĩa.

Thông thường, từ đa nghĩa sẽ có một nghĩa đen và nhiều nghĩa bóng. Trong đó:

  • Nghĩa đen là nghĩa gốc, nghĩa chính của từ. Đây là nghĩa trực tiếp, vô cùng gần gũi, quen thuộc, dễ hiểu và không (hoặc ít) phụ thuộc vào ngữ cảnh.
  • Nghĩa bóng chính là nghĩa có sau và được suy ra từ nghĩa đen
Từ đa nghĩa là từ có nhiều nghĩa khác nhau và các nghĩa này đều có liên quan đến nhau

Từ đa nghĩa là từ có nhiều nghĩa khác nhau và các nghĩa này đều có liên quan đến nhau

Để các bạn hiểu rõ từ đa nghĩa là gì, chúng ta sẽ cùng tìm hiểu về ví dụ cụ thể ở bên dưới đây:

  • Từ “đi” trong tiếng Việt chính là một từ đa nghĩa. Nó vừa có nghĩa gốc là chỉ hoạt động dịch chuyển bằng hai chi dưới (ví dụ như: Tôi đi rất nhanh nhưng vẫn không thể đuổi kịp anh ấy), vừa có nghĩa chuyển là một người nào đó đã chết (Anh ấy ra đi mà không kịp nói ra lời trăng trối).
  • Từ “nhạt” cũng là từ đa nghĩa. Với nghĩa đen nói về độ mặn thấp hơn so với khẩu vị của người bình thường trong đồ ăn, thức uống hoặc độ đậm của màu sắc. Còn nghĩa bóng là nói về sự ít gây hứng thú, hấp dẫn của một trò chơi hay câu chuyện nào đó.

Phân loại từ đa nghĩa

Qua các thông tin bên trên, chắc chắn các bạn đã hiểu rõ từ đa nghĩa là gì rồi. Tiếp theo chúng ta sẽ cùng tìm hiểu về các loại từ đa nghĩa qua các thông tin trong phần này:

Nghĩa gốc và nghĩa chuyển

Theo cách phân chia này, người ta sẽ dựa vào tiêu chí nguồn gốc của nghĩa. Khái niệm nghĩa gốc luôn có trước, còn nghĩa chuyển được hình thành sau này dựa trên nghĩa gốc. 

Từ chạy là từ đa nghĩa có nghĩa gốc và nghĩa chuyển

Từ chạy là từ đa nghĩa có nghĩa gốc và nghĩa chuyển

Nhưng nếu chúng ta xét về tính ứng dụng, không phải lúc nào nghĩa gốc cũng là nghĩa được sử dụng phổ biến nhất. Chẳng hạn như từ “bạc” với các nghĩa như sau:

  • Mỏng manh, ít ỏi và không trọn vẹn: Mệnh bạc, đời bạc… (1)
  • Sự ít ỏi, sơ sài (trái với hậu): Lễ bạc lòng thành,… (2)
  • Không nhớ ơn nghĩa và không giữ được tình nghĩa trọn vẹn trước sau như một: Ăn ở bạc với bố mẹ,… (3)

Nghĩa (1) của từ “bạc” chính là nghĩa gốc của nó từ tiếng Hán. Còn nghĩa (2) và (3) là nghĩa chuyển, đều được phái sinh ra từ nghĩa (1). Thế nhưng trong tiếng Việt hiện đại, nghĩa (3) mới là nghĩa được sử dụng phổ biến nhất. 

Nghĩa thường trực và không thường trực

Tiêu chí của cách chia này là xem nghĩa của từ đó có tính ổn định thống nhất không hay chỉ đúng trong một số tình huống nào đó đặc biệt mà thôi. Nói chính xác thì một nghĩa được coi là nghĩa thường trực nếu như nó đã đi vào cơ cấu ổn định nghĩa của từ. Nghĩa của từ sẽ được nhận thức là ổn định như nhau trong mọi hoàn cảnh bắt buộc. 

Trái ngược với nghĩa thường trực chính là nghĩa không thường trực hay còn được gọi là nghĩa ngữ cảnh. Đây là nghĩa rất hay gặp nhiều trong cách nói bóng gió của ngôn ngữ giao tiếp, truyện ngụ ngôn hay cách nói ẩn dụ,…

Phân biệt từ đa nghĩa và từ đồng âm

Với các thông tin bên trên, chắc chắn các bạn đã hiểu rõ từ đa nghĩa là gì rồi. Có nhiều người nhầm lẫn giữa từ đa nghĩa và từ đồng âm. Vậy nên chúng ta sẽ cùng tìm hiểu thông tin dưới đây để có thể phân biệt được 2 loại từ này.

Từ đồng âm là những từ giống nhau về âm tiết nhưng lại khác hẳn nhau về nghĩa. Trong khi đó, từ đa nghĩa là những từ mang nghĩa gốc và một hay một số nghĩa chuyển mà các nghĩa này luôn có mối liên hệ với nhau.

Sự giống và khác nhau giữa từ đa nghĩa và từ đồng âm

Sự giống và khác nhau giữa từ đa nghĩa và từ đồng âm

Cụ thể hơn, từ đa nghĩa khác từ đồng âm ở chỗ là các từ nhiều nghĩa đều có một nét nghĩa chung hay nói cách khác là chúng có cùng một nguồn gốc rồi mới chia tách ra như hiện tại.

Bài tập vận dụng từ nhiều nghĩa

Để các bạn có thể củng cố kiến thức và ghi nhớ được lâu, chúng ta sẽ cùng làm bài tập vận dụng ở bên dưới đây nhé.

Làm bài tập về từ đa nghĩa để ghi nhớ kiến thức được lâu

Làm bài tập về từ đa nghĩa để ghi nhớ kiến thức được lâu

Bài 1: Dùng các từ bên dưới đây để đặt câu hoàn chỉnh (một câu theo nghĩa gốc và một câu theo nghĩa chuyển): nhà, đi, ngọt.

Đáp án

Từ “nhà”:

  • Ngôi nhà của Hải đẹp quá
  • Anh xã nhà tôi đã làm việc ở Viettel 5 năm rồi.

Từ “Đi”

  • Bé Hằng đang tập đi rồi.
  • Công đang chuẩn bị đi du lịch.

Từ “Ngọt”

  • Quả đào này vừa ngọt, vừa thơm.
  • Nga có giọng nói rất ngọt ngào.

Bài 2: Hãy xác định các nghĩa của những từ được gạch chân trong các kết hợp từ ở dưới đây rồi phân chia các nghĩa ấy thành nghĩa gốc và nghĩa chuyển:

  1. Miệng cười tươi, há miệng chờ sung, miệng túi, miệng rộng thì sang, miệng bát, nhà 5 miệng ăn.
  2. Xương sườn, hích vào sườn, sườn núi, sườn nhà, hở sườn, sườn xe đạp, đánh vào sườn địch.

Đáp án

a) 

  • Nghĩa gốc: Miệng cười tươi, miệng rộng thì sang (chỉ bộ phận ở trên mặt người hay phần trước của đầu động vật, thường dùng để ăn và nói), há miệng chờ sung (ám chỉ những kẻ lười biếng được suy ra từ câu chuyện có kẻ muốn ăn sung nhưng vì lười biếng nên không chịu đi nhặt mà chỉ nằm há miệng chờ cho quả sung rụng vào mồm), trả nợ miệng (là nợ về việc ăn uống).
  • Nghĩa chuyển: Miệng bát, miệng túi (Là phần trên cùng, chỗ mở ra thông với bên ngoài của một vật có chiều sâu), nhà 5 miệng ăn (là 5 cá nhân trong một gia đình, mỗi người được coi như một đơn vị để tính chi phí tối thiểu cho đời sống).

b)

  • Nghĩa gốc: Gồm có xương sườn, hích vào sườn (Chỉ các xương bao quanh lồng ngực từ cột sống cho đến vùng ức).
  • Nghĩa chuyển: Gồm sườn nhà, sườn xe đạp (là những bộ phận chính làm nòng, làm chỗ dựa để tạo nên một vật); hở sườn, sườn địch (là chỗ trọng yếu và quan trọng).
Rèn luyện bài tập về từ đa nghĩa để đạt được điểm cao môn Ngữ Văn

Rèn luyện bài tập về từ đa nghĩa để đạt được điểm cao môn Ngữ Văn

Bài 3: Trong các từ gạch chân ở dưới đây, từ nào là từ đồng âm và từ nào là từ nhiều nghĩa:

a) Vàng:

  • Giá vàng trong nước tự nhiên tăng đột biến
  • Tấm lòng vàng
  • Chiếc lá vàng đã rơi xuống sân trường

b) Bay:

  • Bác thợ nề đang cầm bay để trát tường.
  • Đàn cò đang bay ở trên trời
  • Đạn bay vèo vèo.
  • Chiếc áo đã bay màu.

Đáp án

a) 

  • Giá vàng: Là từ nhiều nghĩa (nghĩa gốc)
  • Tấm lòng vàng: Là từ nhiều nghĩa (nghĩa chuyển)
  • Lá vàng: Là từ đồng âm

b) 

  • Cầm bay trát tường: chính là từ đồng âm
  • Đàn cò bay: Là từ nhiều nghĩa (nghĩa gốc)
  • Đạn bay: Là từ nhiều nghĩa (nghĩa chuyển)
  • Bay màu: Là từ nhiều nghĩa (nghĩa chuyển)

Bài 4: Với mỗi từ ở dưới đây, các bạn hãy đặt 1 câu:

  1. Cân (là DT, ĐT, TT)
  2. Xuân (là DT, TT)

Đáp án

a) Cân (là DT, ĐT, TT)

  • Bác Hoàng mới mua một chiếc cân đĩa.
  • Bác Tâm đang cân thịt lợn.
  • Hai lớp 4A và 4B có thành tích học tập cân sức cân tài.

b) Xuân (là DT, TT)

  • Mùa xuân đang đến rồi.
  • Hồng đang trong thời kỳ xuân sắc.

Bài 5: Cho các từ ngữ sau đây: Đánh trống, đánh tiếng, đánh giày, đánh trứng, đánh đàn, đánh răng, đánh cá, đánh bức điện và đánh bẫy.

  1. a) Các bạn hãy xếp các từ ngữ trên theo các nhóm có từ cùng nghĩa với nhau.
  2. b) Hãy nêu ra nghĩa của từ đánh ở trong từng nhóm từ ngữ đã được phân loại bên trên

Đáp án

  • Nhóm 1: Gồm đánh trống, đánh đàn (Nghĩa là làm cho phát ra tiếng báo hiệu, tiếng nhạc bằng cách gõ hoặc gảy).
  • Nhóm 2: Gồm có đánh giày, đánh răng (Là làm cho bề mặt ở bên ngoài đẹp và sạch hơn bằng cách chà xát).
  • Nhóm 3: Gồm từ đánh tiếng, đánh bức điện (Nghĩa là làm cho nội dung cần thông báo tới mọi người được truyền đi).
  • Nhóm 4: Gồm đánh trứng, đánh phèn (Là làm cho một vật/chất thay đổi trạng thái bằng cách khuấy lên).
  • Nhóm 5: Gồm đánh cá và đánh bẫy (Nghĩa là làm cho sa vào trong lưới hay bẫy để bắt).

Hy vọng bài viết này mang đến những thông tin hữu ích để các bạn hiểu rõ từ đa nghĩa là gì? Phân loại từ đa nghĩa như thế nào? Và bài tập vận dụng kiến thức. Nếu còn gì chưa hiểu rõ về nội dung trong bài, hãy bình luận ở bên dưới để cùng trao đổi.

Xem thêm:

  • Từ đồng âm là gì lớp 5? Phân loại, ví dụ và bài tập áp dụng
  • Từ Hán Việt là gì? Những điều cần biết khi sử dụng từ Hán Việt
  • Từ chỉ đặc điểm là gì? Khái niệm, ví dụ, bài tập từ chỉ đặc điểm lớp 2
  • Tình thái từ là gì? Chức năng và cách dùng và bài tập về tính thái từ
  • Câu hỏi tu từ là gì? Ví dụ | Tổng hợp các thông tin liên quan
Bài viết liên quan