Tứ đại đỉnh đèo là bốn con đèo cao nhất, nguy hiểm nhất ở Việt Nam. Vậy tứ đại đỉnh đèo gồm những con đèo nào? Hãy cùng chúng tôi tìm hiểu chi tiết về những con đèo này qua các thông tin trong bài viết nhé.
Đèo Ô Quy Hồ – Lào Cai
Đây là con đèo có độ cao 2.073m so với mực nước biển. Ô Quy Hồ còn có tên gọi khác nữa là đèo Hoàng Liên (do đèo này vượt qua dãy núi Hoàng Liên Sơn) hoặc đèo Mây (do trên đỉnh đèo có mây phủ quanh năm).
Đèo Ô Quy nằm trên đường quốc lộ 4D, nối liền giữa 2 tỉnh Lào Cai và Lai Châu, đỉnh đèo cũng là ranh giới ở giữa hai tỉnh luôn. Với độ dài 30km, Ô Quy Hồ chính là một trong số những cung đường đèo vừa dài, vừa hiểm trở mà lại hùng vĩ ở vùng núi phía Bắc Việt Nam. Ô Quy Hồ còn được mệnh danh là vua đèo của vùng Tây Bắc.
Hiện nay, tuyến đường đèo này đã được nâng cấp tốt hơn, trở thành cung đường có xe cộ đi lại nườm nượp. Để đi từ Hà Nội đến Lai Châu, nhiều người thường chọn cách đi tàu hỏa lên Lào Cai rồi đi xe khách để vượt đèo Ô Quy Hồ.
Đèo Khau Phạ – Yên Bái
Đèo Khau Phạ là con đèo xếp thứ 2 trong “tứ đại đỉnh đèo” của miền Bắc Việt Nam. Đèo nằm ở khu vực giáp ranh giới giữa huyện Văn Chấn và huyện Mù Cang Chải của tỉnh Yên Bái. Đèo Khau Phạ đi qua rất nhiều địa danh nổi tiếng như La Pán Tẩn, Mù Cang Chải, Tú Lệ, Chế Cu Nha, Nậm Có,… Còn đèo này có độ cao từ 1.200m đến 1.500m so với mực nước biển.
Khau Phạ đẹp nhất vào khoảng tháng 9 tháng 10, khi những triền ruộng bậc thang của người dân tộc Mông, Thái đã vào mùa lúa chín, rực rỡ sắc vàng.
Đường đèo Khau Phạ có đến 2/3 là đường gấp khúc, gập ghềnh đá sỏi, chỉ có đoạn đi qua Tú Lệ mới được làm đẹp hơn đôi chút.
Đèo Pha Đin – Điện Biên
“Dốc Pha Đin anh gánh chị thồ
Đèo Lũng Lô anh hò chị hát”
Đèo Pha Đin đã trở thành con đèo huyền thoại trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của dân tộc ta. Đèo nằm ở trên quốc lộ 6, đường từ Hà Nội lên Điện Biên, nằm giữa ranh giới của 2 tỉnh Sơn La và Điện Biên, cách thành phố Sơn La khoảng 66km.
Đèo có chiều dài 44km với điểm cao nhất nằm ở độ cao 1.648m so với mực nước biển, địa thế vô cùng hiểm trở với 1 bên là vách núi, 1 bên là vực sâu. Độ dốc trung bình của đèo từ 8 – 10%, có nhiều đoạn đường ngoằn ngoèo với 8 cung đường cua cực kỳ nguy hiểm, bán kính đường cong dưới 15m. Bên cạnh đó, đèo còn có vô số khúc cua tay áo, cua chữ A, chữ Z nên vào mùa mưa đi lại rất khó khăn.
Trên lưng chừng của đèo Pha Đin thường có mây mù che phủ nên tầm nhìn rất kém, dưới chân đèo là có những bản làng lác đác. Đứng trên dốc đèo từ phía tỉnh Điện Biên nhìn xuống, các bạn sẽ thấy được thung lũng Mường Quài với màu xanh ngút ngàn của đồi núi.
Đèo Mã Pí Lèng – Hà Giang
Đèo Mã Pí Lèng là cung đường đèo cuối cùng nằm trong tứ đại đỉnh đèo của Việt Nam. Con đèo có chiều dài 20km vượt một đỉnh núi thuộc Cao nguyên Đồng Văn với độ cao 2.000m so với mực nước biển. Đèo nằm trên con đường mang tên là Hạnh Phúc nối liền giữa thành phố Hà Giang của thị trấn Đồng Văn và thị trấn Mèo Vạc.
Con đường này đã được rất nhiều thanh niên xung phong thuộc 16 dân tộc của 8 tỉnh miền Bắc Việt Nam đã làm trong vòng 6 năm (từ 1959 – 1965). Trong đó, riêng đoạn đèo Mã Pí Lèng đã được các thanh niên trong đội cảm tử treo mình ở trên vách núi để làm trong 11 tháng.
Tại đây hiện nay vẫn có 1 trạm dừng chân để cho các du khách ngoạn cảnh nghỉ ngơi và một tấm bia đá ghi lại những dấu ấn lịch sử trong quá trình xây dựng đường đèo.
Nên đi Tứ đại đỉnh đèo thời điểm nào trong năm?
Sau khi biết rõ về tứ đại đỉnh đèo qua những thông tin trên, chắc chắn nhiều bạn rất muốn đến thăm 1 trong 4 đoạn đèo này. Vậy nên đi du lịch những đèo này vào thời điểm nào?
Mỗi thời điểm trong năm, Tứ Đại Đỉnh Đèo cũng đều mang một nét đẹp riêng biệt, thời tiết vào mỗi mùa cũng rất khác nhau. Tuy nhiên, thời điểm thích hợp nhất để các bạn đến thăm các địa điểm du lịch ở Tứ Đại Đỉnh Đèo là từ tháng 9 đến tháng 4 năm sau, đây cũng chính là mùa khô ở vùng Tây Bắc. Nếu các bạn xuất phát từ các tỉnh phía Nam thì nên lưu ý khoảng thời gian này để đặt được vé máy bay ra Hà Nội cho phù hợp nhé.
Tháng 9 – 10 chính là thời điểm tuyệt vời nhất để săn mây và chụp ảnh ở Tứ Đại Đỉnh Đèo. Buổi sáng, ở trên đỉnh đèo thường sẽ có nắng vàng rực và mây vắt ngang ở trên sườn núi, khung cảnh này cực kỳ đẹp mắt. Thời tiết lại tạnh ráo, không mưa, đường cũng không trơn trượt, nguy hiểm nên rất phù hợp để đi phượt bằng xe máy. Tuy vậy, những trước khi đi các bạn cũng nên xem dự báo thời tiết trước khi đi phượt nhé để tránh trường hợp thời tiết xấu.
Tháng 12 – tháng 1 là thời điểm vùng Tây Bắc bước vào mùa đông với thời tiết lạnh giá. Những ngày lạnh nhất, đỉnh đèo thường sẽ được bao phủ trắng xóa bởi tuyết. Tuy nhiên, các bạn nên cẩn thận khi đi phượt vào mùa tuyết rơi này để tránh bị trơn trượt nhé.
Tháng 2 – tháng 4 là lúc mà cả núi rừng Tây Bắc bước vào mùa xuân với những cánh rừng hoa đào, hoa mận nở phủ khắp chân đèo. Tham quan ở các địa điểm check in Tứ đại đỉnh đèo thời điểm này, các bạn có thể chụp được những bức ảnh cực kỳ đẹp giữa không gian thơ mộng và lãng mạn.
Hy vọng bài viết mang đến các thông tin hữu ích để các bạn có thể biết rõ về tứ đại đỉnh đèo của Việt Nam và lựa chọn được nơi đi phượt phù hợp. Nếu các bạn có câu hỏi gì thắc mắc về nội dung trong bài, hãy bình luận bên dưới để chúng tôi giải đáp chi tiết.
Xem thêm:
- Đèo nào dài nhất Việt Nam? TOP 10 đèo dài nhất Việt Nam 2023
- Đèo ngang ở đâu? Nằm giữa các tỉnh nào?
- Đèo Hải Vân ở đâu? Thuộc tỉnh nào? Dài bao nhiêu km?