Trợ từ, thán từ là những từ được sử dụng phổ biến trong văn học và trong đời sống hàng ngày. Tuy nhiên không phải ai cũng hiểu rõ được trợ từ là gì, thán từ là gì… Trong bài viết này hãy cùng với chúng tôi tìm hiểu về các từ loại này nhé!
Trợ từ là gì?
Khái niệm trợ từ là gì?
Trợ từ là những từ chuyên đi kèm với một từ ngữ trong câu với mục đích nhấn mạnh, biểu thị thái độ hoặc đánh giá về sự vật, sự việc được nói đến ở từ ngữ đó.
Ví dụ: “Chính mẹ là người đã mua cho tôi quyển sách này.” Trợ từ trong câu này là từ “chính” dùng để nhấn mạnh thông tin đang được đề cập đến.
Phân loại trợ từ
Trợ từ là từ loại khá phổ biến và trong cuộc sống thường ngày đôi khi chúng ta đang sử dụng trợ từ mà lại không hề hay biết. Trợ từ có thể phân loại thành 2 nhóm chính như sau:
- Trợ từ để nhấn mạnh
Đúng với tên gọi của nó, trợ từ này có vai trò nhấn mạnh một sự vật, sự việc hay hiện tượng nào đó trong câu.
Trợ từ nhấn mạnh thường là các từ như: những, cái, thì, mà, là…
Ví dụ 1: “Tôi là học sinh lớp 5.” Trợ từ trong câu này là từ “là”
Ví dụ 2: “ Những món ăn mẹ tôi nấu đều rất ngon”. Trợ từ trong câu này là từ “những”
Ví dụ 3: “ Nếu đi muộn thì bị trừ lương”. Trợ từ trong câu này là từ “thì”
Có thể nhận thấy điểm chung của những trợ từ nhấn mạnh là thường đứng trước những danh từ nhằm nhấn mạnh cho danh từ đó. Ngoài ra, khi sử dụng trợ từ bổ nghĩa thì người nghe hay người đọc cũng có thể dễ dàng nắm bắt được các thông tin. Từ đó, không bị nhầm lẫn giữa đối tượng đang được đề cập đến với đối tượng khác.
- Trợ từ để đánh giá sự vật, sự việc, hiện tượng
Trợ từ này có vai trò là đánh giá, xác định về sự vật, sự việc hoặc hiện tượng – cái mà được người nói hoặc người viết đang muốn nhắc đến.
Trợ từ này thường là các từ như: chính, chính là, đích là…
Ví dụ 1: “Quyển sách này đích thị là quyển sách của An”. Trợ từ trong câu này là “đích thị”
Ví dụ 2: “Chính Nam đã rủ chúng tôi đi chơi”. Trợ từ trong câu này là “chính”
Ví dụ 3: “Lan chính là người học giỏi nhất lớp tôi”. Trợ từ trong câu này là “chính là”
Vai trò của trợ từ trong tiếng Việt
– Thông báo sự việc.
Ví dụ: Thu ăn hai bát cơm.
– Thông báo khách quan và biểu thị thái độ đánh giá sự vật, hiện tượng.
Ví dụ: Thu ăn những hai bát cơm.
– Nhấn mạnh sự việc, đối tượng được nói đến trong câu.
Ví dụ: Ngay cả chúng tôi cũng không được đi.
Thán từ là gì?
Khái niệm thán từ là gì?
Thán từ là các từ ngữ có trong câu được dùng để bộc lộ tình cảm, cảm xúc của người nói. Đồng thời nó cũng được dùng để gọi và đáp trong giao tiếp.
Vị trí của thán từ thường đứng ở đầu câu và có khi nó cũng tách ra thành một câu đặc biệt.
Phân loại thán từ trong tiếng Việt
Cũng giống như trợ từ thì thán từ có thể được chia làm 2 loại là.
- Thán từ bộc lộ cảm xúc, tình cảm
Loại này thường là các từ như: ôi, than ôi, hỡi ôi, trời ơi…
Ví dụ: “Chao ôi, mới đau đớn làm sao!”. Thán từ trong câu này là “chao ôi” thể hiện sự đau đớn, tuyệt vọng.
- Thán từ gọi đáp
Các thán từ gọi đáp này chủ yếu được dùng trong ngữ cảnh giao tiếp thường ngày, phục vụ chủ yếu cho các hoạt động gọi, đáp thông thường.
Thán từ này thường sẽ là các từ như: này, ơi, vâng, dạ…
Ví dụ 1: “Này, chị có muốn đi chơi cùng tôi không?” Thán từ trong câu này là “này” dùng trong giao tiếp với mục đích là để gọi.
Vai trò của thán từ trong Tiếng Việt
– Gây sự chú ý hay gọi đáp.
Ví dụ: Này, đứng lại đó cho tôi.
– Thể hiện sự tức giận hoặc vui mừng.
Ví dụ: A! Tôi được đi châu Âu rồi.
– Bày tỏ thái độ lễ phép.
Ví dụ: Dạ! Cháu biết rồi ạ.
Tình thái từ là gì?
Khái niệm tình thái từ là gì?
Tình thái từ là những từ được thêm vào câu để tạo thành câu cảm thán, câu nghi vấn hoặc câu cầu khiến giúp tăng thêm sắc thái cũng như tình cảm của người nói, người viết.
Như vậy, tình thái từ được dùng trong câu với 2 chức năng chính là tạo câu theo mục đích nói và thứ hai là thể hiện sắc thái, biểu cảm của người nói.
Ví dụ 1: “Bạn thật sự là người làm rơi chiếc điện thoại này à?”. Tình thái từ “à” thể hiện thái độ nghi ngờ, hoài nghi.
Ví dụ 2: “Mai được 10 điểm môn Toán á?”. Tình thái từ “á” thể hiện thái độ bất ngờ, ngạc nhiên.
Ví dụ 3: “Cậu hãy dẫn tớ đi chơi nhé!” Tình thái từ “nhé” thể hiện thái độ trông chờ, mong ngóng.
Phân loại tình thái từ trong tiếng Việt
Tình thái từ được chia thành 2 loại chính như sau:
– Tình thái từ tạo thành câu cảm thán (sao, thay…), câu nghi vấn (hả, hử, chứ, à, ư, chăng….) hoặc câu cầu khiến (đi, nào, với…)
Ví dụ: “Bạn thích ăn cá ư?” Tình thái từ “ư” trong câu thể hiện thái độ nghi vấn.
– Tình thái từ để thể hiện tình cảm, thái độ của người nói, người viết là: nhé, ạ, mà, cơ, vậy…
Ví dụ: “Con cảm ơn ba ạ!” Tình thái từ “ạ” trong câu thể hiện thái độ lễ phép.
Lưu ý: Sự phân loại này chỉ mang ý nghĩa tương đối bởi một số tình thái từ thuộc nhóm này nhưng cũng có thể là tình thái từ thuộc nhóm kia.
Trên đây là những chia sẻ của chúng tôi liên quan đến trợ từ, thán từ, tình thái từ là gì? Hy vọng sẽ giúp bạn hiểu hơn về từ loại này và sử dụng chúng linh hoạt trong câu giúp câu văn đầy đủ và ý nghĩa hơn.