Mâm cúng ngày Tết là một trong những thứ không thể thiếu, nó vừa thể hiện sự biết ơn tổ tiên vừa là mâm cơm để mọi người trong gia đình quây quần bên nhau. Hãy cùng chúng tôi tìm hiểu xem mâm cúng ngày Tết của 3 miền có những món ăn gì nhé!
Mâm cúng ngày Tết truyền thống
Theo tục lệ ngày xưa, các cụ ta có câu “mâm cao, cỗ đầy”, ý nói cách cách bày mâm cúng ngày Tết thể hiện lên sự trang trọng, với 8 bát – 8 đĩa.
8 đĩa bao gồm:
- Xôi gấc
- Gà luộc
- Hạnh nhân xào
- Nộm
- Thịt quay
- Giò lụa hoặc giò xào
- Nem rán
- Chả quế.
8 bát gồm:
- Bát vây cá
- Măng lưỡi lợn hầm chân giò
- Bóng bì
- Mực nấu
- Nấm thả
- Chim hầm
- Gà tần
- Miến nấu lòng gà
Mâm cúng ngày Tết Đoan Ngọ Việt Nam xưa lúc nào cũng thịnh soạn, tươm tất. Không chỉ về cách trình bày mà màu sắc của các món ăn cũng đều được chú trọng. Ngày nay, mâm cỗ Tết đã có nhiều sự thay đổi cả về số lượng lẫn chất lượng. Người ta còn mua thêm các món đồ Tây để bày biện như xúc xích, dăm bông, lạp xưởng… Tuy nhiên các món chủ đạo như bánh chưng, dưa hành, thịt gà, xôi… vẫn không thể thiếu.
Mâm cúng ngày Tết miền Bắc
Mâm cỗ Tết ở miền Bắc được các bà mẹ, các chị tuân thủ nghiêm ngặt theo quy tắc: 4 bát 4 dĩa (không bao gồm xôi, nước chấm và dưa hành) tượng trưng cho tứ trụ (4 mùa, 4 phương). Những nhà nào khá giả hơn thì có thể chuẩn bị nhiều hơn (4 bát 6 đĩa hoặc là 8 bát 8 đĩa), có khi mâm cỗ lớn còn xếp cao lên 2, 3 tầng.
4 bát sẽ bao gồm các món sau:
- Canh bóng thả
- Chân giò hầm măng khô
- Mọc nấm thả
- Miến nấu lòng gà
4 đĩa sẽ bao gồm các món như:
- Gà trống thiến luộc
- Nem rán
- Giò lụa (hoặc là giò thủ, chả quế)
- Bánh chưng
Nhiều gia đình miền Bắc còn bày thêm đĩa thịt đông, đây là món ăn đặc trưng cho những ngày lạnh của miền Bắc.
Món tráng miệng trên mâm cúng của người miền Bắc cũng rất đa dạng với nhiều loại mứt Tết và trái cây khác nhau như mứt quất (mứt tắc), mứt gừng, hồng khô, mứt sen, ô mai mơ,… Đặc biệt là món chè kho thơm ngọt được nấu kỹ từ đậu xanh và đường.
Mâm cúng ngày tết miền Trung
Miền Trung với thời tiết khắc nghiệt, bão lũ thường xuyên nên nét văn hóa ẩm thực sẽ có sự khác biệt với miền Bắc và miền Nam. Sự khác biệt ứng với tinh thần tiết kiệm, luôn san sẻ cho mọi người của con người miền Trung, nó thể hiện qua việc các món ăn được chia thành từng đĩa nhỏ, mỗi thứ một ít trên chiếc mâm tròn.
Những món ăn cơ bản trong mâm cỗ Tết miền Trung bao gồm:
- Gà luộc
- Thịt heo
- Bánh tét
- Nem chua
- Dưa hành
- Ram cuốn,…
Ngoài ra người miền Trung cũng chú trọng đến yếu tố lưu trữ nên các món mặn như tôm rim, thịt kho, gà rán, nem, thịt ngâm nước mắm,… cũng thường thấy trong ngày Tết. Đặc biệt, người miền Trung rất thích ăn các món cuốn nên không thể nào thiếu đi các món như nem lụi, thịt luộc, cá hấp cuốn bánh tráng,…
Mâm cúng ngày tết miền Nam
Khác với những miền khác, miền Nam là vùng đất được mẹ thiên nhiên ban tặng cho nhiều loại trái cây phong phú, đa dạng. Người dân miền Nam vô cùng phóng khoáng nên mâm cỗ ngày Tết của người miền Nam cũng ít câu nệ về hình thức.
Món ăn không thể nào thiếu trong mâm cỗ cúng Tết ở miền Nam chính là thịt kho trứng (thịt kho tàu). Họ thường nấu thịt kho trứng trong một nồi lớn để ăn liên tục trong nhiều ngày liên tiếp. Ngoài ra không thể không nhắc đến món canh khổ qua nhồi thịt với quan niệm mọi sự khổ ải của năm cũ sẽ qua đi để chào đón một năm mới hạnh phúc.
Ngoài 2 món ăn trên, mâm cúng ngày Tết của người miền Nam còn có các món như:
- Gà luộc
- Chả giò
- Gỏi ngó sen
- Tôm khô củ kiệu
- Bánh tét
Đặc biệt, bánh tét ở miền Nam có nhân bên trong rất đa dạng, có thể là bánh tét nhân đậu xanh, nhân đậu đen, nhân chuối, dừa,… Một số gia đình cũng chuẩn bị thêm giò thủ, chả lụa, lạp xưởng nếu thích.
Các mâm cúng ngày Tết của 3 miền có nhiều điểm khác nhau nhưng đều thể hiện lên những giá trị thiêng liêng, sâu sắc của nền văn hóa và tín ngưỡng của con người Việt Nam. Ngoài ra nó còn có ý nghĩa nhớ về cội nguồn, tổ tiên, mong muốn gia đình được sum vầy, quây quần bên nhau và cùng thưởng thức những món ăn truyền thống.