Bếp Hoàng Cầm là một chiếc bếp huyền thoại trong cuộc chiến đấu của quân, dân ta thời kỳ kháng chiến. Vậy bếp Hoàng Cầm là gì, cấu tạo bếp Hoàng Cầm như thế nào. Mời bạn theo dõi bài viết dưới đây của chuthapdoquangninh.org.vn để hiểu rõ hơn về loại bếp này nhé.
Bếp Hoàng Cầm là gì?
Bếp Hoàng Cầm là bếp dã chiến, có công dụng giúp làm tan, làm loãng khói bếp tỏa ra khi nấu ăn. Điều này giúp bộ đội ta tránh được máy bay phát hiện từ trên cao, cũng như ở gần.
Ai là người sáng tạo ra bếp Hoàng Cầm? Nguồn gốc, lịch sử
Bếp Hoàng Cầm được ra đời từ chiến dịch Hòa Bình, sau đó được lan truyền và rất phổ biến trong chiến dịch Điện Biên Phủ. Sở dĩ bếp có tên như vậy là do mang tên người chế tạo ra nó là anh nuôi Hoàng Cầm.
Theo một số ít tài liệu ghi chép lại, người đã đưa ra ý tưởng tạo ra loại bếp này là Thượng sĩ Hoàng Cầm (1916 – 1996), là Tiểu đội trưởng nuôi quân của Sư đoàn 308, Đại đoàn quân tiên phong.
Cụ thể, vào thời kỳ kháng chiến Đông Xuân 1951 – 1952, trong Chiến dịch Hòa Bình, việc nấu ăn trong rừng đã gặp nhiều vất vả, khó khăn. Khi nấu ăn vào ban ngày thì khói bốc lên, còn ban đêm thì lửa lập loè, khiến địch rất dễ phát hiện. Sau nhiều đêm suy nghĩ, anh nuôi Hoàng Cầm đã thử vẽ sơ đồ một số kiểu bếp và nhiều lần thử nghiệm.
Anh đã cho đào hàng chục cái bếp khác nhau, trong đó kiểu bếp khoét sâu trong lòng đất, có các nhánh dẫn khói như hang chuột. Tuy nhiên, loại bếp này vẫn làm lộ khói, chưa đạt được hiệu quả như mong muốn.
Không nản chí, anh nuôi Hoàng Cầm lại tiếp tục nghiên cứu và đào thêm các đường khói chẻ nhiều nhánh khác nhau, độ dài gấp đôi. Phía trước bếp đào hố sâu, phía trên dải nilon hoặc lá để đồ và che đi ánh lửa. Cuối cùng, anh đã tạo ra được chiếc bếp như ý.
Một chiếc bếp lò được khoét sâu vào đất với những đường rãnh như râu mực, trên các rãnh phủ cành cây, đất để tạo ảnh và thành những ống thoát khói. Từ trong lò đun, khói tỏa ra khắp các rãnh, bốc lên và gặp đất ẩm bị lọc, cản lại, lan ra mặt đất, chỉ tạo ra làn khói như làn sương buổi sớm. Từ đó, bếp Hoàng Cầm được sử dụng phổ biến và rộng rãi đến các đơn vị và được anh em nuôi quân hoan nghênh.
Vào tháng 10/1952, đơn vị đã lấy tên người sáng tạo ra chiếc bếp này và đặt tên là Bếp Hoàng Cầm. Chiếc bếp này nhanh chóng phổ biến và sử dụng rộng rãi trong Quân đội Nhân dân Việt Nam vào thời kỳ Chiến tranh Việt Nam và Chiến tranh Đông Dương. Với thành tích trên, chiến sĩ Hoàng Cầm đã được bầu làm Chiến sĩ thi đua sư đoàn và được thưởng Huân chương Chiến công hạng Nhì.
Sơ đồ, cấu tạo, cách làm Bếp Hoàng Cầm cấp 1, cấp 2
Như phần trên chúng ta đã tìm hiểu về Bếp Hoàng Cầm là gì? Đó là loại bếp lò có cấu tạo đặc biệt, phần bếp được khoét sâu xuống đất hoặc vào sườn đồi, có nhiều nhánh rãnh như râu mực dài, từ bếp trải đi khá xa. Trên các rãnh trải đi đều có cành cây, đất ẩm phủ lên để khói từ bếp có thể lan tỏa.
Khi nấu ăn, khói từ bếp sẽ theo các rãnh, bốc lên, gặp đất ẩm nên bị cản, lọc lại. Do đó, khói chỉ bay là là mặt đất mà không bốc thẳng lên trời. Nhờ đó, loại bếp này đã giúp xử lý được việc nấu ăn ban ngày và đêm ở rừng mà không sợ quân địch phát hiện. Có thể nói, bếp Hoàng Cầm là một phát minh sáng tạo, có tính ứng dụng rất cao.
Cấu tạo Bếp Hoàng Cầm
Gồm có 3 bộ phận chính là hầm bếp, hệ thống thoát khói và mái che
-
Hầm bếp
Kích thước bếp Hoàng Cầm có chiều ngang= 1,4m, chiều dọc=1,7m. Hầm bếp bao gồm các bộ phận: Hố ngồi đun, hố đặt nồi, gờ để củi, cửa bếp.
- Hố ngồi đun: là dạng hình hộp chữ nhật có chiều dài 0,9m, chiều ngang= 1,4m, sâu từ 0,8 – 1m có bậc lên xuống ở bên thành hố.
- Hố đặt nồi: được đào trên bệ bếp có hình hố đặt nồi được đào trên bệ bếp có hình tang trống, với khoảng 3 – 5cm, đáy hố là hình lòng chảo. Hố có đường kính miệng nhỏ hơn so với đường kính miệng nồi là 4 – 6cm; để khi nấu ăn miệng nồi sẽ luôn cao hơn mặt bệ bếp 3 – 4cm. Như vậy, chiều cao của hố sẽ được thiết kế lớn hơn chiều cao của nồi 20 – 25 cm, còn khoảng cách giữa các miệng hố đặt nồi tới mép hố ngồi đun là 20cm. Thiết kế này đảm bảo sự vững chắc, tránh bị sụt lở, lửa cũng không bị tạt ra ngoài của bếp.
- Gờ để củi: để chạy ngang hố ngồi đun, có chiều rộng khoảng 10cm, chiều cao bằng đáy cửa bếp. Thiết kế này có tác dụng đỡ củi không bị rơi xuống hồ ngồi đun khi nấu ăn.
- Cửa bếp: Thường có dạng hình vòm, phần đáy rộng 20 – 25cm, chiều cao 15 – 20cm, thiết kế loe sang hai bên vào phía trong.
Hệ thống thoát khói:
- Hầm khói: Tùy theo điều kiện cho phép có thể đào 1 hoặc 2 hầm khói. Hầm khói có hình khối lập phương, có kích thước mỗi chiều là 0,8m hoặc 1m.
- Đường dẫn khói: Có tiết diện 25 x 25 cm hoặc 30 x 30cm được nối từ hố đặt nồi đến hầm khói và từ hầm khói 1 sang hầm khói 2, độ dốc tốt nhất là 15°.
Đường dẫn khói đi từ hố đặt nồi cho đến hầm khói 1 có chiều dài 2,5 – 3m, còn đường dẫn khói từ hầm khói 1 đến hầm khói 2 có dài 3 – 5m.
- Tia tản khói: Thường sẽ có 3 tia tản khói có tiết diện là 20x20cm hoặc 25x25cm, có chiều dài 4 – 7m dốc lên 10 – 15° là tốt nhất. Đầu tia tản khói nằm khuất trong bụi rậm hoặc trong lùm cây. Hệ thống thoát khói được lát ở phía trên bằng các cành cây tươi, lá tươi, trên cùng phủ lớp đất tơi xốp để khói thoát ra thành làn khói mỏng.
Mái che, lợp bếp
Để giữ cho ánh lửa không bị lọt ra bên ngoài, quá trình đun nấu có thể hoạt động trong mọi điều kiện thời tiết thì cần phải sử dụng mái che, lợp bếp. Có thể sử dụng tăng bạt có khung là tre, cây gỗ, nứa, nhỏ căng ra để che kín bếp hoặc sử dụng tre, nứa lá để lợp. Bên cạnh đó cũng đảm bảo cho yêu cầu ban đêm không bị lọt ánh sáng ra ngoài và ra vào thuận tiện.
Rãnh thoát nước
Vì bếp được đào sâu dưới lòng đất nên phòng khi trời mưa nước tràn xuống bếp; cần đào xung quanh bếp mạng lưới hệ thống rãnh thoát nước nhằm dẫn nước chảy ra ngoài. Đặc biệt khi đào bếp ở sườn đồi, phải đắp ở bờ cao, chắc chắn để giữ nước không bị nước tràn vào gây ngập và vỡ bếp.
Sơ đồ bếp Hoàng Cầm
Trên đây là toàn bộ nội dung về bếp Hoàng Cầm là gì, cấu tạo, sơ đồ, cách làm bếp Hoàng Cầm mà chúng tôi đã chia sẻ đến bạn. Hy vọng rằng những thông tin này sẽ giúp bạn có thêm nhiều kiến thức hữu ích về loại bếp dã chiến, độc đáo này.